Liên hợp quốc thông qua “Hiệp ước cho tương lai”, thúc đẩy hợp tác toàn cầu
Theo AFP ngày 22-9, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua “Hiệp ước cho tương lai”, được Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, “bước chuyển hướng tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, toàn diện hơn và có mạng lưới hơn”.
“Chúng tôi ở đây để đưa chủ nghĩa đa phương trở lại từ bờ vực thẳm” - Tổng thư ký Liên hợp quốc đã thúc đẩy một cam kết lâu dài cho hội nghị thượng đỉnh và thoả thuận, bao gồm các chủ đề hòa bình và an ninh, quản trị toàn cầu, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, hợp tác kỹ thuật số, nhân quyền...; đưa ra “56 hành động” mà các quốc gia cam kết đạt được.
“Chúng tôi nhận ra rằng hệ thống đa phương và các thể chế, cùng Liên hợp quốc và Hiến chương của Liên hợp quốc phải được tăng cường để theo kịp một thế giới đang thay đổi. Chúng phải phù hợp với hiện tại và tương lai, hiệu quả và có năng lực, chuẩn bị cho tương lai, công bằng, dân chủ, bình đẳng và đại diện cho thế giới ngày nay, bao trùm, kết nối và ổn định về tài chính” -ông Guterres cho biết.
Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định: “Hôm nay, chúng tôi cam kết một khởi đầu mới trong chủ nghĩa đa phương. Các hành động trong Hiệp ước này nhằm mục đích đảm bảo rằng Liên hợp quốc và các tổ chức đa phương quan trọng khác có thể mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho con người và hành tinh, cho phép chúng tôi thực hiện các cam kết hiện tại trong khi vươn lên đối mặt với những thách thức và cơ hội mới và đang nổi lên.”
Các cuộc khủng hoảng toàn cầu đã làm nổi bật nhu cầu cải cách Liên hợp quốc và các hệ thống tài chính quốc tế.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin chỉ trích các cuộc đàm phán và việc thông qua hiệp ước. Nga đã thất bại trong nỗ lực đưa vào một sửa đổi được Triều Tiên, Syria, Nicaragua, Belarus và Iran ủng hộ nhằm nêu rõ rằng "Liên hợp quốc và hệ thống của cơ quan này sẽ không can thiệp vào các vấn đề về cơ bản thuộc thẩm quyền trong nước của bất kỳ quốc gia nào".