Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất:Mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng kinh tế
Lần đầu tiên sau 4 năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất đã đánh dấu sự kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Mức giảm lãi suất 0,5%/năm được cho là khá mạnh tay. Theo nhiều chuyên gia, việc FED hạ lãi suất, áp lực tỷ giá giữa VND và USD sẽ bớt căng thẳng hơn, từ đó Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để tiếp tục hạ lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Hơn nữa việc hạ lãi suất còn có tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu và thị trường chứng khoán...
Tỷ giá VND/USD giảm
Đã có thời điểm, VND phải điều chỉnh tăng tới gần 5% trước USD, lên mức 25.450 đồng/USD. Nhưng sau động thái giảm 0,5%/năm lãi suất của FED, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đã giảm về quanh mốc 24.500 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm chỉ còn là 24.148 đồng/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá giảm 10 đồng/USD. Trong đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) niêm yết ở mức 24.370-24.400 đồng/USD (mua vào) và 24.740 đồng/USD (bán ra); Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) niêm yết 24.400-24.430 đồng/USD (mua vào) và 24.760 đồng/USD (bán ra). Trên thị trường tự do, giá USD giảm nhẹ 15 đồng, xuống 24.950 đồng/USD với chiều mua vào, 25.050 đồng/USD bán ra.
Theo nhóm chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tỷ giá VND/USD được kỳ vọng hạ nhiệt dần và có thể giảm so với đầu năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nên để hỗ trợ xuất khẩu, các nhà điều hành sẽ không để tỷ giá VND/USD giảm sâu và giảm quá lâu. Dự báo, tỷ giá VND/USD tiếp tục giảm nhưng sẽ phục hồi sau đó. Với việc “hạ nhiệt” tỷ giá, thị trường tiền tệ ổn định hơn, cơ quan chức năng sẽ có nhiều dư địa để điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa phục vụ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, việc FED giảm lãi suất sẽ là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài, ổn định mặt bằng lãi suất và thị trường chứng khoán ở Việt Nam.
Cần lưu ý các yếu tố rủi ro
Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, tỷ giá đã hạ nhiệt từ đầu tháng 7-2024 và việc FED giảm lãi suất sẽ giúp giảm áp lực rút ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán. Mặc dù thanh khoản vẫn còn khiêm tốn nhưng có nhiều tín hiệu cho thấy, thị trường chứng khoán đang diễn biến tích cực hơn khi điểm số tăng và khối ngoại trở lại mua ròng trong những phiên gần đây.
Trong 8 tháng năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phục hồi dù còn nhiều thách thức. Chỉ số VN-Index hiện đang ở mức 1.283,9 điểm, tăng 13,6% so với đầu năm 2024. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng năm 2024, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng 64.000 tỷ đồng (2,6 tỷ USD), một phần là do chênh lệch lãi suất VND/USD cao thời gian qua.
Đại diện nhiều doanh nghiệp niêm yết có chung nhận định, môi trường lãi suất duy trì ở mức thấp so với bình quân năm 2023 sẽ giúp giảm chi phí tài chính của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tín dụng đang được đẩy mạnh và định hướng tăng trưởng 15% (cao hơn mức 14% của năm 2023) sẽ tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp gia tăng quy mô. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán.
Thực tế, thị trường chứng khoán có phản ứng tích cực với các diễn biến tăng trưởng vĩ mô. Cùng với đó, lãi suất huy động ở mức thấp cũng sẽ "kích thích" dòng tiền chảy vào chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Giới đầu tư nhận định, giá cổ phiếu ở Việt Nam đang tương đối hấp dẫn và kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng hạng từ mới nổi lên cận biên trong năm 2025. Chỉ tính từ đầu tháng 9 đến nay, xu hướng mua ròng của nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu tăng trở lại.
Mặc dù nhìn thấy nhiều cơ hội cho nền kinh tế tăng trưởng sau quyết định giảm lãi suất của FED, song các tổ chức kinh tế cũng chỉ ra các yếu tố rủi ro cần lưu ý. Đó là Việt Nam vừa trải qua bão, lũ lớn nhất trong nhiều năm qua và gây thiệt hại lớn. Chuỗi cung ứng của một số hàng hóa thiết yếu có thể bị ảnh hưởng và tạo áp lực lên lạm phát các tháng tới. Tình hình kinh tế vĩ mô quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhật Bản tăng lãi suất, trong khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt...
Như vậy có thể thấy, việc FED hạ lãi suất sẽ mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều rủi ro, thách thức khó lường, đòi hỏi chúng ta phải hết sức tập trung, thận trọng, linh hoạt trong điều hành để bảo đảm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng:
Cần chính sách tổng thể
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và phấn đấu giảm lãi suất cho vay; tháo gỡ và thúc đẩy tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, tiêu dùng; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo đúng quy định...
Để thúc đẩy sự phục hồi của tổng cầu, tăng khả năng hấp thụ tín dụng, bên cạnh các giải pháp từ phía ngân hàng, cần có chính sách tổng thể từ phía các bộ, ngành, địa phương như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chất lượng cao; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước; đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:
Tỷ giá sẽ biến động không quá 2%
Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và ngân hàng trung ương các nước phát triển bắt đầu tiến trình hạ lãi suất, chênh lệch lãi suất sẽ giảm. Tỷ giá đã được kiểm soát và hạ nhiệt giúp Chính phủ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, FED quyết định giảm lãi suất hiện nay cũng như trong thời gian tới sẽ kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Đó chính là cơ hội tốt cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam.
Với những điều kiện vĩ mô tương đối tốt như là xuất siêu, cán cân FDI vẫn vào, nhìn tổng thể Việt Nam vẫn thặng dư cán cân thanh toán. Thông thường cuối năm cũng là mùa kiều hối về, tỷ giá dự báo sẽ biến động quanh mức 1,5%, không quá 2%, quay lại đúng mục tiêu ban đầu. Như vậy, về tổng thể, việc FED giảm lãi suất sẽ làm giảm áp lực tỷ giá, giảm bớt áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước và sức ép lên lạm phát cũng giảm. Ngoài ra, còn kích thích đầu tư, tăng trưởng xuất khẩu cho kinh tế Việt Nam trong cả ngắn hạn cũng như lâu dài.
Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB Suan Teck Kin:
Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách lãi suất chủ chốt
Tôi kỳ vọng FED sẽ tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất trong các cuộc họp còn lại của năm 2024, trong đó dự báo sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản (tức là hai lần cắt giảm 25 điểm cơ bản, vào ngày 24-11 và ngày 24-12). Tập đoàn UOB duy trì kỳ vọng cắt giảm 100 điểm cơ bản vào năm 2025 (cắt giảm 25 điểm cơ bản mỗi quý). Điểm khác biệt trong dự báo của chúng tôi so với FED là mức lãi suất cuối cùng mà chúng tôi dự báo là 3,25%, dự kiến sẽ đạt được vào đầu năm 2026 so với quan điểm dài hạn của FED là 2,9%.
Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ duy trì chính sách lãi suất chủ chốt trong phần còn lại của năm 2024 vì Ngân hàng Nhà nước vẫn để mắt đến những rủi ro về lạm phát. Tính từ đầu năm đến tháng 8-2024, CPI chung tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn một chút so với mục tiêu 4,5%. Áp lực tăng giá có thể mạnh hơn sau sự gián đoạn đối với sản lượng nông nghiệp.
Hà Linh ghi