Thế giới

"Hội nghị thượng đỉnh tương lai" nhắm tới củng cố hệ thống đa phương

Kim Phượng 22/09/2024 15:16

Theo AFP ngày 22-9, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã đến New York - Mỹ tham dự "Hội nghị thượng đỉnh tương lai" nhằm giải quyết các thách thức của thế kỷ 21, từ xung đột đến khí hậu.

screenshot_20240922_123503_messenger.jpg
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres coi "Hội nghị thượng đỉnh tương lai" là cơ hội để định hình lại lịch sử loài người. Ảnh: Bryan R. Smith

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lần đầu tiên đề xuất "Hội nghị thượng đỉnh tương lai" vào năm 2021, coi đây là "cơ hội nghìn năm có một" để định hình lại lịch sử loài người bằng cách khơi dậy lại hợp tác quốc tế.

Là một hoạt động mở màn cho tuần lễ cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc, các nguyên thủ quốc gia và chính phủ dự kiến sẽ thông qua "Hiệp ước cho tương lai" trong hôm nay (22-9, giờ địa phương).

Trong dự thảo văn bản mới nhất được đệ trình để thông qua, các nhà lãnh đạo cam kết củng cố hệ thống đa phương để "bắt kịp với một thế giới đang thay đổi" và "bảo vệ nhu cầu và lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai" đang phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng dai dẳng".

"Chúng tôi tin rằng có một con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn cho toàn thể nhân loại" - Với gần 30 trang, thỏa thuận nêu rõ 56 "hành động", bao gồm các cam kết về chủ nghĩa đa phương, duy trì Hiến chương Liên hợp quốc và gìn giữ hòa bình.

Văn kiện cũng kêu gọi cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng với những nỗ lực chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy giải trừ quân bị và định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo.

“Mặc dù có một số "ý tưởng hay", văn kiện này chưa mang tính cách mạng cải cách toàn bộ chủ nghĩa đa phương mà Tổng thư ký Guterres ban đầu kêu gọi", Richard Gowan của Nhóm khủng hoảng quốc tế nói với AFP.

Bất chấp những lời chỉ trích, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết đây vẫn là "cơ hội để khẳng định cam kết chung của chúng ta đối với chủ nghĩa đa phương, ngay cả trong bối cảnh địa chính trị khó khăn hiện nay", đồng thời nhấn mạnh đến nhu cầu xây dựng lại lòng tin giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu.

Các nước đang phát triển đặc biệt lên tiếng yêu cầu cam kết cụ thể về cải cách các tổ chức tài chính quốc tế, nhằm bảo đảm tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài chính ưu đãi, đặc biệt là trước tác động của biến đổi khí hậu.