Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 22-9-2024
Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024: Báo chí giải pháp - Hướng đi của báo chí hiện đại; Những bộ phim mới về Hà Nội: Khơi vẻ đẹp đa chiều của đất và người; Không dễ mở "cánh cửa" thị trường các bon; Hà Nội đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng ngoại thành; Đưa văn hóa Việt vào nghệ thuật múa... là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 22-9-2024.
Diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024:
Báo chí giải pháp - Hướng đi của báo chí hiện đại
Chiều 21-9, tại thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đã diễn ra Diễn đàn Tổng Biên tập 2024: “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?”. Sự kiện do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, Báo Nhà báo và Công luận tổ chức.
Tham dự và chủ trì diễn đàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi. Về phía tỉnh Bình Thuận có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh; Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng. Diễn đàn còn có sự tham dự của hơn 100 tổng biên tập các báo, tạp chí... trên toàn quốc.
Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức nhận định: "Trong thời đại công nghệ số, báo chí truyền thống, đặc biệt là báo in, đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ sự bùng nổ thông tin trên internet và sự thay đổi nhanh chóng trong thói quen tiêu thụ tin tức của độc giả. Để tồn tại và phát triển, báo in cần không ngừng đổi mới nội dung và cách tiếp cận. Trong bối cảnh này, báo chí giải pháp (solutions journalism) nổi lên như một chiến lược tiềm năng để giúp các tờ báo in không chỉ tồn tại, mà còn phát triển mạnh mẽ".
Theo đồng chí Nguyễn Minh Đức, báo chí giải pháp tập trung vào việc đưa ra các giải pháp khả thi cho những vấn đề xã hội, thay vì chỉ đơn thuần trình bày vấn đề. Thay vì chỉ phản ánh những câu chuyện tiêu cực, báo chí giải pháp mang lại góc nhìn tích cực, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và khuyến khích hành động từ phía độc giả….
Những bộ phim mới về Hà Nội: Khơi vẻ đẹp đa chiều của đất và người
Hà Nội luôn là đề tài gợi cảm hứng cho các văn nghệ sĩ, nhưng để làm nên một tác phẩm hay, hấp dẫn là thách thức không nhỏ, nhất là trong lĩnh vực điện ảnh cần sự sáng tạo, hợp tác tập thể.
Đạo diễn Nguyễn Tất Kiên của “Mật lệnh hoa sữa” giãi bày, bộ phim này thuộc thể loại hình sự, không dễ để khoe bối cảnh, không gian đẹp về Hà Nội. Nhưng ê kíp đã nỗ lực chọn góc máy, khuôn hình để lồng ghép nhiều hình ảnh Hà Nội phát triển, đẹp đẽ mà vẫn giữ nét cổ kính vào bộ phim. Không chỉ vậy, tác phẩm còn khai thác câu chuyện về người Hà Nội...
Tham gia bộ phim “Hà Nội trong mắt em”, Nghệ sĩ nhân dân Trần Lực cho hay, anh vào vai gần giống với những nhân vật tài tử mà mình từng thể hiện. Nam diễn viên nhận định, “Hà Nội trong mắt em” là một góc nhìn mới về Hà Nội đầy hiện đại, văn minh với những người trẻ năng động, thức thời.
Không dễ mở "cánh cửa" thị trường các bon
Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, việc mua bán tín chỉ các bon chưa sử dụng còn là việc triển khai các cam kết, thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế xanh. Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị để đưa thị trường tín chỉ các bon vào vận hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp không dễ để có thể tham gia vào thị trường này. Đâu là chìa khóa để mở cánh cửa thị trường các bon cho các doanh nghiệp Việt Nam?
Để phát triển thị trường các bon tại Việt Nam, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đang triển khai nhiều giải pháp như: Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp để đáp ứng quá trình tham gia thị trường các bon; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và vận hành thị trường các bon, tham khảo kinh nghiệm của các nước để ứng dụng cho Việt Nam theo cách phù hợp.
Hà Nội đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng ngoại thành
Cùng với các hoạt động kết nối, việc tổ chức Tuần hàng Việt tại các huyện ngoại thành Hà Nội góp phần tạo hiệu ứng tích cực từ doanh nghiệp và từ phía người tiêu dùng. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp xung quanh hoạt động kết nối tiêu dùng này.
Hà Nội là một trong những địa phương được đánh giá là “đầu tàu” trong triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua 15 năm triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố, Ban Chỉ đạo các cấp, ngành và các tổ chức, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả. Qua đó, tạo sức lan tỏa, từng bước xây dựng được nét văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam nói chung, của Thủ đô nói riêng.
Đáng nói là, hàng loạt Tuần hàng Việt đã được Sở tổ chức trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, qua đó quảng bá các sản phẩm Việt chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, phong phú đến với người tiêu dùng.
Đưa văn hóa Việt vào nghệ thuật múa
Với tác phẩm thơ múa “Nàng Mây” lấy cảm hứng và chất liệu từ nghề mây tre đan của Việt Nam, biên đạo múa Nguyễn Hải Trường đã giành giải Vàng Liên hoan Múa quốc tế năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, tại Thừa Thiên - Huế cuối tháng 8 vừa qua. Tác phẩm cũng tô đậm hướng sáng tạo của biên đạo trẻ này trên con đường nghệ thuật - kể câu chuyện về đời sống văn hóa Việt bằng múa đương đại.
Tại liên hoan, ngoài giải Vàng chính thức cho tác phẩm, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam còn trao giải Biên đạo múa xuất sắc cho Nguyễn Hải Trường, giải Diễn viên xuất sắc cho Lương Thị Hà Nhi.