Bạn đọc

Ô nhiễm môi trường làng nghề ở huyện Thường Tín:Bao giờ mới giải quyết dứt điểm?

Nguyên Hà 21/09/2024 - 06:42

Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-HU ngày 8-3-2019 của Huyện ủy Thường Tín về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác bảo vệ nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn huyện đến năm 2025, hiện nay 100% làng nghề trên địa bàn huyện đã xây dựng được phương án bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất lạc hậu và việc thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một số hộ dân nên hành vi xả, thải trái quy định ở đây vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường sống ở địa phương.

rac-thai.jpg
Hệ thống kênh tưới tiêu đoạn qua xã Vân Tảo (huyện Thường Tín) bị rác thải phủ kín.

Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới trên địa bàn huyện Thường Tín vẫn còn một số làng nghề trong quá trình sản xuất, kinh doanh đã phát sinh chất thải ảnh hưởng đến môi trường, như: Làng nghề mộc Vạn Điểm; sơn mài Hạ Thái; làng nghề xương, sừng Thụy Ứng; bông, chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu… Cùng với đó, ô nhiễm về tiếng ồn vẫn diễn ra hằng ngày tại làng nghề thêu Đông Cứu, Cổ Châu (xã Dũng Tiến). Theo số liệu thống kê, trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 40 tấn chất thải rắn/ngày, nước xả thải gần 600m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do không được xử lý trước khi xả, thải ra môi trường nên hiện nay nước sông Nhuệ và một số kênh, mương chảy qua địa bàn huyện đã chuyển mầu đen kịt. Nhiều chỗ mặt nước còn đóng váng, ngập rác thải, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân.

Điển hình như các đoạn chảy qua địa bàn xã Hòa Bình, Hiền Giang, Tiền Phong và một số hệ thống kênh mương đi qua xã Vân Tảo, Hồng Vân…, hiện nay phần lớn nguồn nước tiêu thoát đã bị tắc nghẽn, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ông Lê Minh Hiếu, một người dân xã Hòa Bình cho biết, nghề chế biến xương, sừng, da tại làng nghề truyền thống Thụy Ứng, trong quá trình sản xuất, mùn sừng nếu dính nước mưa mà không được thu dọn kịp thời sẽ bốc mùi hôi thối, rất khó chịu. Cùng với đó, để bảo quản da không bị bốc mùi, các cơ sở sản xuất phải ướp muối cho da, nước thải chảy ra từ công đoạn này thẩm thấu, gây ô nhiễm nguồn nước.

Tương tự, tại xã Vạn Điểm, người dân cho biết hiện tại toàn xã có hơn 800 cơ sở làm nghề sản xuất gỗ. Do hầu hết các cơ sở sản xuất đều mang tính tự phát, một số hoạt động không đúng với phương án bảo vệ môi trường nên trong quá trình sản xuất liên tục xả rác, khí thải độc hại thẳng ra khu dân cư. Vì phải “sống chung” với môi trường ô nhiễm, nhiều người dân thôn Đặng Xá, Đỗ Xá của xã đã mắc các bệnh về đường hô hấp, đau đầu mãn tính. Đặc biệt là về ban đêm, người dân phải chịu đựng những tiếng ồn “đinh tai, nhức óc” từ các cơ sở sản xuất gỗ, khiến cho cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn, mệt mỏi.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, hiện nay toàn huyện có 50 làng nghề được công nhận. Trong số các làng nghề và làng nghề truyền thống có khoảng 16.000 cơ sở sản xuất cùng hàng trăm doanh nghiệp tư nhân đang sản xuất trong lĩnh vực nghề truyền thống; đem lại thu nhập ổn định cho hơn 40.000 lao động địa phương. Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Hà thì cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường là do công tác tuyên truyền, vận động về công tác bảo vệ môi trường hiện nay còn nhiều bất cập. Mặt khác, còn bởi nhận thức về pháp luật của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất chưa cao. Hoạt động sản xuất chủ yếu tập trung gần khu dân cư nên việc ảnh hưởng, gây tác động xấu đến môi trường là khó tránh khỏi.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Minh cho biết những năm qua UBND huyện đã quy hoạch và xây dựng 11 cụm công nghiệp trên diện tích 195ha, đưa các doanh nghiệp, cơ sở đang hoạt động trong khu dân cư vào sản xuất tập trung, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm trên địa bàn. Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục mở rộng các cụm công nghiệp, xây dựng thêm các trạm xử lý nước thải, huyện còn xây dựng 21 trạm trung chuyển rác thải đặt tại 21 xã, phục vụ cho việc thu gom, vận chuyển rác của 29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện…

Thực tế cho thấy, hiện nay tình trạng sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề trên địa bàn huyện Thường Tín chưa được giải quyết triệt để. Để môi trường sống của người dân được bảo đảm, thiết nghĩ huyện Thường Tín cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền; sớm quy hoạch, xây dựng thêm các cụm, điểm công nghiệp để di dời các cơ sở đến địa điểm sản xuất tập trung, từ đó có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn huyện.