Tài chính

Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Hồng Sơn

Ngày 20-9, Tạp chí Nhà Đầu tư và Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

20-9-anhhoithao(1).jpg
Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thu đặc biệt. Ảnh: Hồng Sơn

Về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi), theo Ban tổ chức, cần thống nhất xác định mục tiêu hài hòa về lợi ích, quyền lợi giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên cơ sở sàng lọc, đáp ứng yêu cầu về tư duy logic, luận cứ khoa học cũng như diễn biến thực tế trong đời sống xã hội. Các ý kiến tập trung phân tích hàng hóa nào phải chịu thuế TTĐB cũng như nên ấn định mức thuế suất là bao nhiêu…

Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế nhấn mạnh, cần cân nhắc tính khả thi, tác động đa chiều, toàn diện khi áp thuế TTĐB đối với một số loại sản phẩm, nhất là bảo đảm tiêu chí công bằng và hợp lý.

Chủ đề “nóng” nhất được đề cập là dự định áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường (trên 5g/100ml), với lý do là loại sản phẩm này gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, hiện chưa có kết quả nghiên cứu khoa học cụ thể nào chứng minh đó là tác nhân duy nhất gây ra bệnh này. Hơn nữa, nhiều quốc gia cũng không áp dụng áp thuế TTĐB với sản phẩm nói trên.

Theo nghiên cứu mới nhất của cơ quan chức năng, nếu áp mức thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường sẽ tác động tiêu cực đến 9 ngành giải khát và 24 ngành liên quan trong chuỗi giá trị; làm thiệt hại khoảng gần 28 nghìn tỷ đồng (tương đương 0,5% GDP năm 2022), làm giảm thuế gián thu 5,4 nghìn tỷ đồng/năm và giảm thuế trực thu 3,2 nghìn tỷ đồng/năm do tiêu thụ và sản xuất NGK sẽ có xu hướng giảm. Đây là những con số rất đáng lưu ý. Do đó cần cân nhắc kỹ việc bổ sung thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường.

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại băn khoăn, việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế TTĐB đang đặt ra nhiều câu hỏi như: Mục đích của việc bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB là gì? Nếu vì lý do bảo vệ sức khoẻ, thì đồ uống có đường có phải là nguyên nhân gây bệnh thừa cân béo phì không? Nếu để tăng thu ngân sách thì liệu mục đích này có đạt được và có tính khả thi hay không?

Chuyên gia Cấn Văn Lực kiến nghị, xem xét loại bỏ xe có động cơ chở người, có số chỗ từ 17 đến 24 chỗ ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB, vì các sản phẩm này không phải là hàng hóa xa xỉ, mà chủ yếu phục vụ hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách. Kiến nghị không đưa mặt hàng xăng các loại (xăng thường, xăng E5, xăng E10) vào diện chịu thuế TTĐB do xăng đã phải trả thuế bảo vệ môi trường. Việc đánh thuế TTĐB đối với xăng làm gia tăng chi phí sản xuất, tăng lạm phát... Hơn nữa, việc đánh thuế TTĐB với xăng nhưng không đánh thuế TTĐB với dầu diesel, sẽ không bảo đảm công bằng, khi dầu diesel là một chế phẩm nhiên liệu thay thế xăng, có mức độ ô nhiễm môi trường cao hơn.

Riêng đối với mặt hàng đồ uống có cồn, các ý kiến đề xuất tách riêng và áp các mức thuế khác nhau giữa rượu và bia (theo hướng thuế suất đối với mặt hàng bia nên để ở mức tối đa bằng 50% mức thuế suất của rượu loại trên 20%). Đây là hai loại đồ uống có nồng độ cồn rất khác nhau và tác động đến sức khỏe cũng khác nhau.