Y tế

Dấu hiệu nhận biết 6 nhóm bệnh dễ gây dịch sau mưa lũ

Thu Trang 20/09/2024 - 16:49

Đó là thông tin được đưa ra tại chương trình truyền thông giáo dục sức khoẻ với chủ đề “Cảnh giác và dự phòng dịch bệnh sau mưa lũ” do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức vào chiều 20-9.

vsinh-nguon-nuoc.jpg
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh sau cơn bão số 3. Ảnh: T.T

Sau mưa bão, ngập lụt, nguồn nước, nguồn thực phẩm dễ bị ô nhiễm do các mầm bệnh có sẵn trong nước, chất thải của người và động vật, xác thực vật và động vật… dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, dịch bệnh có thể xuất hiện ngay sau lũ lụt. Thậm chí, có trường hợp nhiều tuần, nhiều tháng sau khi nước rút mới phát bệnh.

Có 6 nhóm bệnh chính thường gặp sau mưa lũ, gồm: Nhiễm trùng tiêu hoá, nhiễm trùng hô hấp, muỗi truyền bệnh, bệnh lây khi tiếp xúc với nước và vật dụng, bệnh về da, các bệnh về mắt. Đây cũng là những nhóm bệnh dễ bùng phát thành dịch.

Nhiễm trùng tiêu hoá

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, nhiễm trùng tiêu hoá là bệnh hàng đầu thường gặp ở những nơi nguồn nước bị ô nhiễm do ngập lụt. Bệnh này dễ phát sinh khi người dân thiếu nguồn nước sạch đế sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt. Hơn nữa, việc bảo quản thức ăn gặp khó khăn do bị cắt điện, thiếu các thiết bị bảo quản thực phẩm…

Các bệnh nhiễm trùng tiêu hoá phải kể đến là: Tả, lỵ, thương hàn… với các biểu hiện: Đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước, có thể kèm theo sốt… Đặc biệt, nhóm bệnh này còn kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng như: Chuột rút, tim đập nhanh, huyết áp thấp, nôn kéo dài.

“Bệnh nhiễm trùng tiêu hoá dễ lây từ người này sang người khác, có thể diễn biến thành dịch. Trong các bệnh nhiễm trùng tiêu hoá thì bệnh tả là nguy hiểm nhất vì có thể gây truỵ tim mạch, mất nước dễ dẫn đến tử vong”, PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý.

Bệnh nhiễm trùng hô hấp

Cũng theo chuyên gia y tế của Bệnh viện Bạch Mai, khi môi trường ẩm thấp mưa kéo dài làm gia tăng các bệnh đường hô hấp như: Viêm họng, cảm cúm, Covid-19.

Triệu chứng thường gặp là đau họng, sốt, khàn tiếng, sổ mũi, ho khan hoặc ho có đờm, khó thở… Các đối tượng nguy cơ mắc bệnh là người cao tuổi, trẻ em và người mắc bệnh mạn tính.

Bệnh do muỗi truyền

Muỗi là loài sinh vật truyền bệnh nguy hiểm. Chúng thường sinh sôi và phát triển mạnh trong mùa mưa bão và gây bệnh. Các bệnh do muỗi truyền bệnh thường gặp trong mùa mưa bão là sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, ở những nơi ngập lụt, mưa nhiều, muỗi thường phát triển mạnh. Trong khi người dân ở những vùng đó nhà cửa bị ngập lụt hoặc bị lũ cuốn không có chăn màn để ngủ nên dễ bị lây nhiễm sốt xuất huyết. Biểu hiện của sốt xuất huyết là nổi ban, nôn mửa, sốt cao, tiêu chảy, đau đầu, đau bụng, đau cơ khớp, rối loạn tuần hoàn.

Người dân cần lưu ý, khi mắc bệnh chỉ được truyền dịch khi có chỉ định của thầy thuốc. Qua ngày thứ 6, thứ 7 của bệnh mà tiểu cầu không giảm, không bị xuất huyết, người bệnh sẽ hồi phục.

Bệnh lây khi tiếp xúc với nước và vật dụng

Đó là các bệnh: Uốn ván, whitmore, leptospira, Aeromonas hydrophila, Vibrio Vulnificus. Con đường lây nhiễm các bệnh này là do tiếp xúc với bụi bẩn, nước bẩn từ những vết thương hở hoặc lây do nuốt phải vi khuẩn, tiêu thụ hải sản bị ô nhiễm…

Riêng với bệnh Whitmore, trong 1 tháng qua, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận khoảng 20 ca bệnh. Bệnh này có biểu hiện sốt, sưng viêm tạo áp xe ở một số vị trí trên cơ thể. Bệnh này rất khó phát hiện nên dễ bị bỏ sót ở tuyến y tế cơ sở. Vì vậy, người dân ở vùng mưa lũ, khi bị sốt, xuất hiện ổ áp xe trên cơ thể phải nghĩ đến Whitmore để được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Các bệnh về da

Những bệnh về da thường gặp trong mùa mưa bão, gồm: Viêm da tiếp xúc, nấm da, chốc, viêm kẽ, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt. Ngoài ra, một bệnh về da cũng thường gặp ở vùng ngập lụt, đó là ban ấu trùng di chuyển do người dân nhiễm phải ấu trùng giun sán có trong nước lũ xâm nhập vào da.

Các bệnh về mắt

Đó là các bệnh viêm kết mạc-đau mắt đỏ, viêm tắc lệ đạo, viêm bờ mi. Biểu hiện của đau mắt đỏ là mắt đau, ngứa, nhiều dử. Còn với viêm tắc lệ đạo, người bệnh thường bị sưng phần bên ngoài của mi, có thể bị đỏ và đau kèm theo chảy mủ ở mắt, khó cử động. Với viêm bờ mi, người bệnh có cảm giác sưng nhức và nóng rát ở mắt, khô mắt, có ghèn tích tụ ở lông mi và khoé mắt.

Để phòng các bệnh nói trên, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân cần tuân thủ nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy; đồng thời thu gom, xử lý rác, chất thải và xác súc vật; diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước. Ngoài ra, thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước; sử dụng hoá chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Cùng với đó, người dân không nên bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập. Nếu bắt buộc phải lội vào nước ngập thì phải rửa bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân… Tra thuốc nhỏ mắt (Chloramphenicol 0,4% hoặc Argirol 1%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn. Chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.

Đặc biệt, người dân nên lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, bảo đảm ăn chín, uống chín. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.