Nông nghiệp - Nông thôn

Hàng trăm héc-ta phật thủ ở huyện Đan Phượng chết khô sau bão lũ: Người dân Đắc Sở khóc dòng, xoay xở tái thiết sản xuất

Minh Phú 20/09/2024 13:34

“Mỗi mẫu phật thủ chúng tôi đầu tư khoảng 250 triệu đồng. Ở cánh bãi sông Hồng qua địa bàn các xã Trung Châu, Hồng Hà, Liên Hồng… của huyện Đan Phượng, mỗi hộ dân xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức có từ 3 đến 10 mẫu phật thủ. Như vậy, hộ ít cũng mất vài trăm triệu đồng, hộ nhiều mất khoảng 2 tỷ đồng”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Phật thủ xã Đắc Sở Nguyễn Quang Định buồn rầu chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới.

phat-thu-5.jpeg
Cánh bãi nổi trồng phật thủ của nông dân Đắc Sở trên địa bàn xã Trung Châu, huyện Đan Phượng chết khô sau bão lũ. Ảnh: Nguyễn Mai

Một xã thiệt hại vài trăm tỷ

Đã hơn một tuần kể từ khi bão số 3 đổ bộ và nước sông Hồng qua huyện Đan Phượng dâng cao vượt mức báo động số 2 qua đi, nhưng những gì để lại đối với sản xuất nông nghiệp vùng bãi ven dải sông này vẫn thật khủng khiếp, chưa thể xoa dịu. Từ đê sông Hồng phóng tầm mắt nhìn xuống cánh bãi các xã Trung Châu, Hồng Hà, Liên Hồng, Liên Hà… đã không còn màu xanh mướt của rau màu, hoa trái, thay vào đó là một màu nâu xám của cây cối chết khô, đổ gãy và nhuộm đỏ bùn đất phù sa. Lại gần hơn nơi bãi nổi, những con đường vẫn còn nhuầy nhụa bùn đất; mùi nồng nặc bởi các loại hoa màu bị thối hỏng đang phân hủy...

Khu vực bãi nổi xã Trung Châu, qua quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, gần như toàn bộ diện tích cây ăn quả như chuối, đu đủ, phật thủ, rau đều chết do úng ngập quá lâu, cành lá đã héo khô. Đặc biệt, vùng trồng phật thủ là cây lâu năm, có giá trị kinh tế cao, đa số bị chết khô.

Anh Lương Anh Đức chia sẻ, gia đình anh ở xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức) lên Đan Phượng thuê đất trồng phật thủ từ năm 2017. Diện tích trồng phật thủ của gia đình là 9,2 mẫu, cây được 1 năm tuổi đã héo khô sau bão lũ. “Không kể ngày công lao động của cả gia đình, tôi đầu tư vào vườn phật thủ này 250 triệu/mẫu, với gần 10 mẫu tương ứng với hơn 2 tỷ đồng. Số tiền đầu tư là toàn bộ tích lũy của gia đình cộng với vay mượn anh em họ hàng bằng vàng. Nay vườn cây chết hết, tôi chưa biết phải làm thế nào”.

phat-thu-4.jpeg
Nhiều diện tích bãi sông trồng phật thủ ở Đan Phượng vẫn chưa tiêu hết nước. Ảnh: Nguyễn Mai

Cùng với anh Đức, anh Nguyễn Quang Khải ở Đắc Sở cũng sang huyện Đan Phượng thuê đất trồng phật thủ. “Gia đình tôi có hơn 4 mẫu ruộng trồng phật thủ. Cây sang năm thứ 2 đã bắt đầu ra quả rất đẹp, dự kiến sẽ thu đúng dịp tết, nhưng giờ chết hết. Tôi đầu tư cho 4 mẫu phật thủ này hết gần 1 tỷ đồng để làm hệ thống tưới tự động, hệ thống giàn cho cây leo, các loại giống, phân bón, không tính công lao động bỏ ra.

Cũng bị thiệt hại nhưng may mắn hơn các hộ khác, anh Nguyễn Văn Trung cho biết: “Gia đình tôi có 4 mẫu phật thủ, nhưng trồng nhiều đợt khác nhau. Trong đó khoảng 1 nửa diện tích tôi trồng được 4 năm, đã được thu quả 2 năm và gần hết chu kỳ thu quả của cây rồi. Chỉ tiếc phần diện tích cây mới trồng thì mất cả công lẫn vốn”. Theo anh Trung, vòng đời của cây phật thủ chỉ 5-6 năm. Cây trồng từ năm thứ 2 trở đi sẽ được thu. Mỗi năm, người dân thu 2 vụ chính vào tháng 7 và tết. Các tháng còn lại thu rải rác. Phật thủ là cây không chịu được úng, thời gian qua, ngập úng kéo dài 1 tuần, nhiều diện tích đã chết.

Khu bãi trồng phật thủ chết
Chi phí đầu tư cho mỗi mẫu phật thủ khoảng 250 triệu đồng. Ở Đắc Sở, nhiều gia đình bị thiệt hại từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Mai

Theo thống kê sơ bộ, cả xã Đắc Sở có khoảng 245 hộ trồng phật thủ bị thiệt hại do lũ, hơn 300ha bị xóa sổ hoàn toàn, tổng thiệt hại ước tính hơn 250 tỷ đồng. “Cả tuần nay, chúng tôi “mất ăn, mất ngủ”, nhiều người không cầm được nước mắt, bởi hàng hàng trăm héc-ta phật thủ nơi bãi sông Hồng mất trắng. Đó là gia tài của cả nhà tích góp trong nhiều năm”, anh Vương Chí Vui - một hộ trồng phật thủ ở Đắc Sở khu vực bãi nổi Trung Châu cho hay.

Mong được hỗ trợ để tái sản xuất

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, toàn bộ diện tích trồng phật thủ ở ngoài bãi sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Đan Phượng đều có chủ nhân là người xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức thuê đất canh tác. Các hộ trồng phật thủ bị thiệt hại do bão lũ đều có chung mong mỏi được Nhà nước có chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để bà con có cơ hội phục hồi lại sản xuất. Đồng thời, giãn, khoanh nợ đối với các hộ đang vay vốn bị thiệt hại, không thể trả nợ đúng hạn.

phat-thu-2.jpeg
Người dân xã Đắc Sở mong muốn được hỗ trợ để tái thiết sản xuất. Ảnh: Nguyễn Mai

Có mặt cùng các hộ dân địa phương ở bãi sông Hồng vào ngày 19-9 để bàn cách khắc phục hậu quả mưa bão, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Sở Nguyễn Văn Khương cho biết: “Đắc Sở là "thủ phủ" trồng phật thủ lớn của Hà Nội, với diện tích hơn 500ha. Trong đó, người dân chủ yếu thuê đất trồng phật thủ tại các huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì… Đây là cây trồng chủ lực, vừa mang lại ấm no cho người dân, vừa góp phần quan trọng vào xây dựng, kiến thiết quê hương Đắc Sở trong hành trình xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là cây trồng đặc thù, đầu tư rất lớn, do vậy khi thiệt hại là quá nặng nề”.

“Tiếp sức” cho người dân, những ngày qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã thăm gặp các hộ trồng phật thủ tại các xã vùng bãi chịu ảnh hưởng bởi bão lũ để nắm bắt, động viên, chia sẻ với người dân và thống kê thiệt hại. Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Sở Nguyễn Văn Khương cũng mong muốn thành phố, huyện quan tâm, có các chính sách hỗ trợ bà con nông dân vốn; hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... để bà con phục hồi sản xuất sau lũ.

Chi phí đầu tư cho mỗi mẫu phật thủ khoảng 250 triệu đồng. Hiện ở Đắc Sở, nhiều nhà thiệt bị hại từ vài trăm đến hài tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Mai
Với những diện tích cây chưa chết hẳn, một số hộ dân ở Đắc Sở dự định cắt hết cành lá, giữ lại phần thân cây còn xanh, xới lại đất, bón thêm phân hy vọng cây sẽ hồi sinh trở lại…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Phật thủ Đắc Sở Nguyễn Quang Định thông tin, nhiều hộ dân không dám tiếp tục đầu tư ngoài bãi sông nữa, bởi nếu bị ngập thêm 1 lần nữa chắc chắn sẽ không thể gượng dậy được. Hơn nữa, phật thủ là cây trồng kén đất, không thể trồng lại trên đất cũ, nên người dân phải đi thuê vị trí mới…

“Trồng phật thủ lấy quả, cứ 5 năm lại phải trồng lại và chuyển vùng sản xuất mới, nên về lâu dài chúng tôi vận động người chuyển sang làm phật thủ cảnh để bán Tết. Cây phật thủ cảnh không cần diện tích quá lớn, mỗi nhà chỉ vài sào cũng cho thu nhập như vài mẫu phật thủ lấy quả. Đó là hướng đi mới để người Đắc Sở tính toán lại sản xuất, không phải đi làm ăn xa”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Phật thủ Đắc Sở Nguyễn Quang Định thông tin thêm.

Đối với những ruộng phật thủ chưa chết hẳn, một số hộ dân ở Đắc Sở dự định cắt hết cành chết khô, giữ lại phần thân cây còn xanh, xới lại đất, bón thêm phân, hy vọng cây sẽ hồi sinh trở lại… Song, đó chỉ là hy vọng, bởi hồi phục được hay không vẫn còn rất mong manh.