Văn hóa

Triển khai Luật Thủ đô năm 2024 vào cuộc sống:Tư duy, tầm nhìn mới về phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Phong 20/09/2024 - 06:20

Việc Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, phát triển nhanh hơn.

Trong đó, các chuyên gia kỳ vọng, thành phố sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, nhất là tư duy, tầm nhìn mới về phát triển văn hóa.

giao-long.jpg
Múa giảo long tại lễ hội truyền thống làng Lệ Mật (quận Long Biên). Ảnh: Quang Thái

Nhiều quy định mới, đột phá

Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa (Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Nghị quyết xác định phát triển công nghiệp văn hóa là ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại nhiều việc làm và thu nhập cho người dân.

Theo Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội Trương Minh Tiến, việc Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo thêm hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù vượt trội để Hà Nội có những điều kiện thuận lợi, phát triển nhanh hơn trong lĩnh vực văn hóa. Cụ thể, Điều 21 về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và những điều luật khác có liên quan trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu nhiều sự bổ sung, điều chỉnh kịp thời thể hiện qua các chính sách đặc thù, giúp gỡ nhiều điểm nghẽn cho Hà Nội trong tiến trình phát triển công nghiệp văn hóa.

Cụ thể, Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. HĐND thành phố quy định chi tiết thẩm quyền thành lập; trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý đối với trung tâm công nghiệp văn hóa và các chính sách ưu đãi đối với trung tâm công nghiệp văn hóa sử dụng nguồn lực của thành phố.

Quy định này của Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa mà Thủ đô có nhiều thế mạnh, tận dụng lợi thế về không gian văn hóa, qua đó, phát huy triệt để và đồng đều thị trường văn hóa trên địa bàn thành phố.

Đáng quan tâm hơn, HĐND thành phố được quy định đối tượng, nội dung, mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa được quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách thành phố đối với người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; vận động viên, huấn luyện viên tham gia đào tạo, huấn luyện tại các bộ môn thể thao thành tích cao, tập huấn đội tuyển thể thao thành tích cao của thành phố, đội tuyển thể thao thành tích cao quốc gia...

Thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo ra những thuận lợi giúp lĩnh vực văn hóa có những bước phát triển mới. “Tôi đánh giá rất cao các điều khoản thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, cử tri Trần Mạnh Dũng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) chia sẻ, trên thực tế, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Nổi bật là Thủ đô có 5.922 di tích lịch sử - văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; 1.350 làng nghề; 1.173 lễ hội mới và sự kiện văn hóa, nghệ thuật; 115 không gian sáng tạo đa lĩnh vực.

Ngoài ra, Hà Nội có nguồn lực con người rất lớn với gần 52% dân số trẻ, tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 70% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện; 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn; 2 khu công nghiệp công nghệ cao, hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, thời trang…

Để phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội còn tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, như: Du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh, thời trang, ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí; truyền hình và phát thanh, xuất bản phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể. Nhiều năm qua, hoạt động biểu diễn của Hà Nội cũng được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng với các chương trình nghệ thuật có yếu tố xã hội hóa như: Chương trình “Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert”, Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió Mùa...

“Tôi mong rằng, các chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội sẽ có những cơ chế, chính sách vượt trội để cụ thể hóa Luật Thủ đô (sửa đổi) về lĩnh vực văn hóa. Trong đó, cần huy động được sự tham gia của các thành phần tư nhân để cùng phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; ưu tiên phát triển ngành công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Thành phố cũng cần hài hòa giữa bảo tồn văn hóa và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, nâng cao khả năng cảm thụ văn hóa cũng như thu hẹp khoảng cách trong hưởng thụ văn hóa giữa các vùng của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố”, ông Trần Mạnh Dũng nói.