Hà Nội kết nối

TP Hồ Chí Minh: Khẩn trương, sẵn sàng ứng phó với bão, lũ

Nguyễn Lê 19/09/2024 - 17:26

Hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều vị trí sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, công tác ứng phó với những bất lợi của thiên tai đang được khẩn trương tiến hành.

Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội và các vấn đề dư luận quan tâm do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thành phố tổ chức chiều 19-9, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các cấp, các ngành thành phố đang sẵn sàng công tác ứng phó với mùa mưa bão năm nay.

sat-lo-thu-duc.jpg
Một khu vực sạt lở trên địa bàn thành phố Thủ Đức. Ảnh: Thành Vinh

Theo các ngành chức năng, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn thành phố có 32 vị trí sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, nhiều nhất là thành phố Thủ Đức và huyện Nhà Bè (mỗi địa phương có 7 vị trí sạt lở). UBND thành phố đã giao các địa phương, các ngành khẩn trương lập phương án đầu tư đối với những vị trí chưa có chủ trương đầu tư, đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án chống sạt lở.

Trả lời báo chí về công tác ứng phó mùa mưa bão năm nay, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An (thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, tất cả các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) trong quá trình tổ chức thực hiện công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả tình trạng ngập lụt do mưa lớn, triều cường và xả lũ ngay tại cơ sở.

Thành phố cũng đã thành lập các Tổ phản ứng nhanh giữa Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Công an thành phố và thông qua hệ thống 793 camera giám sát giao thông được lắp đặt trên toàn địa bàn thành phố, thông tin từ cán bộ trực điều tiết giao thông tại hiện trường, trên cơ sở đó, các thông tin về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông do mưa lớn, triều cường.

bui-hoa-an-19-9.jpg
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyễn Lê

Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu trước khi bão đổ bộ, các cấp, các ngành tổ chức trực ban lãnh đạo và cơ quan tham mưu 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình, dự kiến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Trong giai đoạn ứng phó ngập lụt, các cấp, các ngành chuyển sang trạng thái chủ động ứng phó. Sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt kế hoạch, phương án ứng phó với ngập lụt theo hướng phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó kịp thời, hiệu quả. Tổ chức trực ban 24/24 giờ để nắm chắc diễn biến tình hình mưa lớn, triều cường, xả lũ và triển khai các phương án ứng phó của địa phương, đơn vị mình.

Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa chỉ đạo các cấp, các ngành đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai trước mùa mưa, lũ năm 2024. Trong đó, UBND thành phố yêu cầu UBND huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, quận 4 và quận 8 tổ chức đánh giá và làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý trong việc chậm trễ triển khai thực hiện các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai xung yếu, cấp bách đã có chủ trương của UBND thành phố.