"SAM-2 vít cổ B-52 như thế đấy"

Sách - Ngày đăng : 20:57, 10/12/2022

(HNMO) - Đó là tên cuốn sách của Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quang Hùng do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân vừa ấn hành nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022). Mặc dù chỉ 160 trang in, tác giả lại là cây bút không chuyên nhưng cuốn sách vẫn hấp dẫn bạn đọc bởi ông chính là “người trong cuộc”.

Cuộc đời quân ngũ của tác giả Nguyễn Quang Hùng là cả một quá trình tự học, tự rèn, dù không một ngày đến trường đào tạo vẫn phấn đấu trưởng thành từ trắc thủ lên sĩ quan điều khiển, đến Tiểu đoàn trưởng, Lữ đoàn trưởng tên lửa, Sư đoàn trưởng phòng không và trước khi nghỉ hưu là Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân.

Tác giả đã chiến đấu hơn 100 trận trên các cương vị khác nhau và ở vị trí nào, ông cũng lập công bắn rơi máy bay Mỹ. Khi làm trắc thủ cự ly, ông đã bắn rơi máy bay địch. Ở vị trí sĩ quan điều khiển, ông bắn rơi 11 máy bay địch, trong đó có chiếc thứ 2.500 bị bắn rơi trên miền Bắc ngày 6-11-1967. Trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, ở cương vị Tiểu đoàn trưởng, ông đã cùng đồng đội bắn rơi 3 máy bay B-52.

Ở tuổi gần “bát tuần”, ông cặm cụi góp nhặt, chỉnh lý tư liệu từ những ghi chép cẩn trọng ngày xưa cùng những tư liệu đã được phân tích, tổng hợp sau độ lùi thời gian mấy chục năm để viết cuốn sách “SAM-2 vít cổ B-52 như thế đấy”.

Cuốn sách gồm 8 chương mà mới đọc tên chương đã thấy hấp dẫn: Giới thiệu sơ lược về B-52 và SAM-2; Những người tiên phong “vào hang bắt cọp”; Đánh “ngáo ộp” trong chiến dịch Trị Thiên; Mười hai ngày đêm chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; Cà cuống chết đến đít vẫn còn cay… Sách còn có những phụ lục đặc biệt như tư liệu đầy đủ về các trận đánh của các tiểu đoàn tên lửa bắn rơi 60 máy bay B-52 trong chiến tranh, gồm ngày giờ xảy ra trận đánh, địa điểm trận địa và tên đầy đủ kíp chiến đấu trên xe điều khiển của các tiểu đoàn tên lửa lập công bắn rơi B-52; danh sách những người trực tiếp bắn rơi B-52 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang của Bộ đội Tên lửa.

Sách giúp bạn đọc hiểu rằng, để có chiến công “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, các đơn vị Bộ đội Tên lửa phòng không đã trải qua những gian nan, thử thách, mất mát, hy sinh mà có những lúc tưởng không thể vượt qua. Đó là những cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Tên lửa 238 - những người đi tiên phong “vào hang bắt cọp”, đưa tên lửa SAM-2 vào Quân khu 4 và Vĩnh Linh để “săn” B-52. Phải đánh đổi bằng mồ hôi và xương máu, ngày 17-9-1967, đơn vị đã bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên ở Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đến ngày 11-1-1968, tổng cộng đã tiêu diệt được 6 chiếc B-52 tại Quảng Trị.

Cũng phải nói thêm, trong thời kỳ đầu, Bộ Quốc phòng Mỹ chủ quan cho rằng “B-52 là bất khả xâm phạm” nên chưa có chiến thuật để đối phó với tên lửa phòng không, việc đánh B-52 không khó khăn như sau này. Tới đầu năm 1972, không quân Mỹ đã trang bị các loại nhiễu cho đội hình B-52 đánh phá miền Bắc với kỹ thuật tiên tiến và thủ đoạn tinh vi nên việc đánh B-52 vô cùng khó khăn. Ngày 10-4-1972, B-52 đánh ra Vinh (Nghệ An). Ngày 16-4-1972, B-52 đánh Hải Phòng. Cả hai ngày ấy, các đơn vị tên lửa ở Nghệ An và Hải Phòng đều không bắn rơi được B-52 do nhiễu quá dày đặc.

Tuy nhiên, do chiến đấu ở địa bàn thường xuyên “chạm trán” với B-52 Mỹ ở Quân khu 4, từ đầu tháng 4 đến ngày 22-11-1972, các Trung đoàn Tên lửa 236, 263, 274 đã bắn rơi 17 máy bay B-52. Đặc biệt, trận đánh đêm 22-11-1972, hai Tiểu đoàn 43 và 44 thuộc Trung đoàn 263 tại Nghệ An bắn rơi 2 máy bay B-52, trong đó có 1 chiếc rơi ở phía Tây Nakhom Phanom, cách căn cứ Utapao (Thái Lan) 64km. Hôm sau, ngày 23-11-1972, Hãng thông tấn Mỹ UPI đưa tin “Hai máy bay B-52 đã bị trúng tên lửa Bắc Việt ở gần Vinh đêm 22-11 và một trong hai chiếc đã bị rơi khi cố bay về căn cứ Utapao ở Thái Lan nhưng không được” cùng bức ảnh xác chiếc B-52 rơi ngổn ngang trong một khu rừng trên đất Thái Lan. Trận này có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử bởi đây là lần đầu tiên trong chiến tranh ở Việt Nam, phía Mỹ công khai thừa nhận B-52 bị tên lửa phòng không của Việt Nam bắn hạ.

Trước đó, vào tháng 9-1972, Quân chủng Phòng không - Không quân đã đúc rút, tổng hợp kinh nghiệm từ thực tế chiến đấu của các đơn vị, cho ra đời cuốn cẩm nang “Cách đánh B-52”. Trận đánh thắng B-52 ngày 22-11-1972 của Trung đoàn 263 ở Nghệ An đã được bổ sung cho cuốn cẩm nang này thêm hoàn thiện và quan trọng hơn, nó củng cố niềm tin cho các đơn vị tên lửa trong toàn Quân chủng là SAM-2 hoàn toàn đủ khả năng bắn rơi tại chỗ B-52.

Quả nhiên đúng như vậy! Trải qua 12 ngày đêm tháng 12-1972 đọ sức với B-52, các đơn vị tên lửa của Quân chủng Phòng không - Không quân đã lập chiến công oanh liệt, “vít cổ” 29 máy bay B-52 của Mỹ, có 16 chiếc rơi tại chỗ, làm thất bại hoàn toàn chiến dịch Linebacker II, buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Có thể nói, cuốn sách “SAM-2 vít cổ B-52 như thế đấy” của Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Quang Hùng thêm một lần nữa khẳng định sự mưu trí, sáng tạo của Bộ đội Tên lửa phòng không trong việc sử dụng hiệu quả vũ khí, khí tài để đối phó với kẻ thù và giành chiến thắng. Đúng như Tướng Anatoly Ivanovich Khiupenen - Trưởng đoàn Chuyên gia quân sự Liên Xô - phát biểu trong buổi tiệc chiêu đãi mừng chiến thắng đầu năm 1973 tại Hà Nội: “Tên lửa phòng không Liên Xô viện trợ cho Quân đội nhân dân Việt Nam là đã trao “nỏ thần” vào đúng “bàn tay vàng” của những người thông minh, sáng tạo”.

NGUYỄN HỮU MÃO