Nhìn từ “điểm sáng” Hải Phòng
Giải quyết bài toán chung cư cũ là thách thức rất lớn đối với các đô thị, trong đó có Hải Phòng.
Trên toàn quốc, chưa có địa phương nào đưa ra được phương án chuẩn mực để cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ bởi nhiều vướng mắc. Thế nhưng, với quyết tâm cao, vận dụng linh hoạt cơ chế, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, Hải Phòng đã có những sản phẩm chất lượng, đúng tiến độ, mang lại cuộc “đổi đời” cho hàng nghìn hộ dân...
Hình thức BT
Theo Sở Xây dựng Hải Phòng, trên địa bàn thành phố có 205 chung cư cũ - phần lớn được xây dựng từ những năm 1960. Qua đánh giá, thẩm định, có 27/205 tòa chung cư cũ có thể sửa chữa, nâng cấp, số còn lại đều xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Thực tế đặt ra yêu cầu cấp bách, tuy nhiên, để cải tạo các chung cư cũ cần nguồn lực rất lớn, trong khi cơ chế, chính sách chưa “mở đường”. Theo tính toán, nguồn vốn xây dựng lại các chung cư cũ ở Hải Phòng ít nhất cần khoảng 10.000 tỷ đồng. Nếu dùng vốn ngân sách, đây không chỉ là gánh nặng, áp lực lớn mà thời gian thực hiện sẽ kéo dài rất lâu.
Sau nhiều lần bàn bạc kỹ lưỡng, lãnh đạo thành phố Hải Phòng quyết định lựa chọn hình thức đầu tư xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) để xây dựng lại chung cư cũ. Ngay cả khi chọn phương án này, Thành phố vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, phải cân nhắc kỹ càng nhằm chọn được nhà đầu tư đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và đủ nhiệt huyết chia sẻ trách nhiệm với Thành phố.
Trong khoảng 5 năm từ 2017 - 2022, Hải Phòng lựa chọn 2 nhà đầu tư là Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng và Tập đoàn Tài chính Hoàng Huy thực hiện phá dỡ 51 lô nhà chung cư cũ, xây mới 7 tòa chung cư cao tầng với tổng số 2.654 căn hộ.
Đối với các hộ dân di dời khỏi chung cư cũ, Thành phố chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ di dời; bố trí chỗ ở tạm bằng nhà hoặc bằng tiền (tùy theo nguyện vọng của hộ dân) trong khi chờ tái thuê căn hộ tại chung cư mới. Để bảo đảm công bằng giữa các hộ dân khi quay trở lại tái thuê, Thành phố xét duyệt kỹ lưỡng từng trường hợp. Căn cứ trên diện tích, vị trí căn hộ thuê cũ, các hộ dân đủ điều kiện bốc thăm nhận nhà mới được chia thành 3 nhóm A, B và C, tương ứng bốc thăm các căn hộ có diện tích nhỏ, vừa và lớn tại chung cư mới.
Đối với các gia đình chính sách, người có công, Thành phố ưu tiên tăng một bậc nhóm. Đến nay, phần lớn các hộ dân sau khi di dời được bốc thăm nhận nhà mới, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, quỹ nhà còn trống giải quyết nhà ở cho khoảng 500 hộ dân tại các chung cư khác trên địa bàn thành phố.
Từ những căn hộ xuống cấp, chỉ vẻn vẹn khoảng 20m², các hộ dân được dọn về những căn hộ hiện đại, khang trang, diện tích từ 47m² đến 55m², có thang máy, đầy đủ tiện nghi: Điều hòa nhiệt độ, bình nóng lạnh... Mức giá thuê không cao hơn trước, bình quân chi phí dịch vụ và tiền thuê nhà khoảng hơn 1 triệu đồng/hộ/tháng, phù hợp với điều kiện của số đông các hộ dân.
Điều đáng nói, tại các khu chung cư mới xây dựng, trên diện tích đất phá dỡ các chung cư cũ, Hải Phòng quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, công viên cây xanh nhằm nâng cao chất lượng đời sống. Vì vậy, trước đó, khi triển khai, Thành phố nhất quán thực hiện chủ trương không sử dụng hình thức xây dựng - chuyển giao tại chỗ mà để dành diện tích đất cho đầu tư hạ tầng và các tiện ích khác. Chủ trương này được người dân ủng hộ.
Tại các khu đất Thành phố đối ứng cho doanh nghiệp, đến nay các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, hình thành các khu đô thị văn minh hiện đại như Khu Hoàng Huy Riverside, Hoàng Huy Commerce, Khu nhà ở số 85 đường vòng Cầu Niệm... Với cách làm này, Hải Phòng đạt cùng lúc nhiều mục tiêu phát triển: Giải quyết bài toán chung cư cũ, chỉnh trang diện mạo đô thị văn minh, hiện đại; cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống người dân thu nhập thấp.
Xây dựng nhà ở xã hội kết hợp với giải quyết chung cư cũ
Theo Luật Đầu tư năm 2020, từ năm 2021, không áp dụng hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao đối với các dự án mới. Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hải Phòng Nguyễn Thành Hưng cho biết, nếu quay lại phương án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, Thành phố phải tiếp tục duy trì bao cấp về nhà ở, tăng thêm gánh nặng ngân sách và người dân vẫn không được sở hữu nhà...
Trước khó khăn đặt ra, lãnh đạo thành phố kiên định mục tiêu xóa bỏ chung cư cũ xuống cấp, tất cả vì sự an toàn, cuộc sống người dân. Sau khi cân nhắc, tính toán kỹ các phương án, Hải Phòng đã nhanh chóng chuyển hướng xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân chung cư cũ. Ngày 12-4-2022, HĐND thành phố quyết định ban hành Nghị quyết số 04 thực hiện “Đề án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ trên địa bàn thành phố”.
Với hướng đi mới này, Hải Phòng là địa phương đi đầu cả nước trong thực hiện xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết chung cư cũ. Và đặc biệt hơn, nó hoàn toàn phù hợp, trúng với chỉ tiêu sau này Chính phủ giao Hải Phòng phát triển 33.500 căn nhà ở xã hội theo Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, Hải Phòng ưu tiên các quỹ đất phù hợp, có vị trí tốt, thuận lợi về hạ tầng cơ sở, gần các khu đô thị, thu hút doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà ở xã hội đáp ứng các tiêu chí do thành phố đặt ra. Với cách làm này, Hải Phòng chỉ phải bố trí khoảng 1.774 tỷ đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 5.700 hộ tại các chung cư cũ trong khoảng 3 - 4 năm. Thay vì hỗ trợ giá thuê nhà ở, Thành phố xem xét hỗ trợ 1 lần để người dân có nguồn tài chính mua nhà ở xã hội, có quyền sở hữu nhà ở; giảm bớt gánh nặng ngân sách, dần xóa bỏ bao cấp về nhà ở, giảm áp lực lên bộ máy quản lý vận hành nhà chung cư...
Hải Phòng xác định rõ 5 dự án nhà ở xã hội kết hợp giải quyết chung cư cũ triển khai tại 4 quận, gồm: Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên (quận Ngô Quyền) diện tích 16,9ha; dự án nhà ở xã hội diện tích 2,6ha thuộc Dự án Khu đô thị ven sông Lạch Tray và dự án nhà ở xã hội tại khu đất phía đông khu tái định cư A52 Khu đô thị Cầu Rào 2 (quận Lê Chân); khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị phường Đồng Hòa (quận Kiến An) và khu chung cư 5 tầng tại ngõ 75 đường Lý Thánh Tông (quận Đồ Sơn). Sau khi các dự án hoàn thành sẽ hình thành quỹ nhà khoảng 8.000 căn, dôi dư so với nhu cầu số căn hộ giải quyết chung cư cũ. Các dự án đều dành quỹ đất đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí... Điều quan trọng nhất, các dự án bảo đảm 3 yếu tố theo yêu cầu của Thành phố: Vị trí thuận lợi, chất lượng tốt và giá cả phù hợp với người dân. Trong số 5 dự án này, hiện chung cư 5 tầng tại ngõ 75 đường Lý Thánh Tông (quận Đồ Sơn) hoàn thành, đưa vào sử dụng. Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên (quận Ngô Quyền) đang khẩn trương thi công, ngày 29-9 cất nóc tòa CT3B và CT4A. Ba dự án còn lại đã có nhà đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Ngoài 5 dự án trên, người dân tại các chung cư cũ có thể chọn mua nhà tại bất kỳ dự án nhà ở xã hội khác trên địa bàn thành phố. Trong các đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, Hải Phòng ưu tiên số 1 cho các hộ dân tại chung cư cũ. Với 21 dự án nhà ở xã hội đang triển khai thi công với tiến độ khẩn trương, trong khoảng 2 - 3 năm tới, Hải Phòng cơ bản giải quyết triệt để bài toán chung cư cũ. Có thể nói, trong điều kiện khó khăn, vướng mắc, từ chủ trương đúng đắn, với quyết tâm cao, vận dụng linh hoạt cơ chế, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, Hải Phòng thành công, trở thành điểm sáng của cả nước trong giải quyết chung cư cũ, hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho hàng nghìn hộ dân.