Hà Nội kết nối

Mực nước sông phía Nam tỉnh Đồng Tháp đang lên nhanh, đỉnh lũ có thể cao hơn năm 2023 đến 0,4m

Minh Điền 18/09/2024 - 16:06

Đó là thông tin chiều ngày 18-9 của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp về tình hình nước lũ thượng nguồn kết hợp với triều cường khiến nước dâng cao trên hệ thống sông Cửu Long.

a412.jpg
Nước lũ đầu nguồn hệ thống sông Cửu Long đang lên nhanh. Ảnh: DTPT.

Trước tình hình trên, chiều ngày 18-9, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện chủ trì cuộc hợp với lãnh đạo các Sở, ban, ngành tỉnh liên quan và yêu cầu các cấp, các ngành chủ động các giải pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới, mưa lớn và triều cường; kịp thời thông tin, cảnh báo để các đơn vị, địa phương và người dân nắm.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, dự báo mực nước đỉnh triều cao nhất vào ngày 20 và 21-9, xuất hiện vào các thời điểm từ 5h đến 8h và từ 17h đến 19h hằng ngày. Tình hình triều cường cao ở mức báo động III, kết hợp mưa to tại chỗ trong những ngày tới tại khu vực các huyện phía Nam sẽ gây nguy hiểm các vùng đê bao cây ăn trái, gây ngập úng các vùng không có đê bao, vùng đê bao thấp, vùng đô thị.

Về nhận định đỉnh lũ năm 2024, hiện nay áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên khu vực giữa biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão số 4 và đổ bộ vào khu vực miền Trung, cơn bão này có khả năng gây một đợt mưa - lũ trên khu vực trung lưu sông Mê Kông.

Đỉnh lũ năm 2024 nhận định ở mức cao hơn năm 2023 khoảng từ 0,1 đến 0,4m (khu vực đầu nguồn cao hơn khoảng 0,4m; khu vực nội đồng Tháp Mười cao hơn khoảng 0,3m; khu vực phía Nam cao hơn khoảng 0,1m).

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, Cơ quan Khí tượng - Thủy văn đã dự báo do mưa lớn trên thượng nguồn sông Mêkông, sẽ xuất hiện lũ trên hệ thống sông Cửu Long ở hạ nguồn. Cùng thời điểm này, triều cường khu vực biển phía Nam sẽ xuất hiện từ 19 đến 22-9. Thêm nữa, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4 dự kiến đổ bộ vào Trung Bộ sẽ gây mưa toàn miền Nam trong những ngày tới. Vì vậy, có nguy cơ xuất hiện ngập úng ở nhiều tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.