Đầu tư

200 doanh nghiệp FDI đối thoại tìm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam

Minh Tuấn 18/09/2024 - 16:04

Sự kiện tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, thu hút hơn 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

img_2281.jpg
Quang cảnh chương trình đối thoại chính sách năm 2024. Ảnh: H.Phạm

Ngày 18-9, UBND thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) lần đầu tiên tổ chức chương trình đối thoại chính sách năm 2024 với chủ đề: “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững: Tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã tham dự đối thoại.

Tại phiên thảo luận, ông Trần Anh Đức, đồng trưởng nhóm đầu tư và thương mại VBF đã nêu một số vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm khi đầu tư tại Việt Nam.

Trong đó, các vướng mắc về chuyển đổi phương tiện vận tải truyền thống sang xe điện; hạ tầng hàng không, việc tắc nghẽn tại cửa khẩu hàng không quốc tế ảnh hưởng đến trải nghiệm của các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam; chi phí logistics cao so với khu vực...

Theo ông Trần Anh Đức, để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư, Việt Nam cần cải thiện hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, phát triển các giải pháp bền vững trong vận tải và logistics xanh.

Về hạ tầng giao thông, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Nguyễn Công Hoàn cho rằng tình trạng quá tải đang diễn ra tại một trong hai sân bay lớn nhất cả nước.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng nhà ga hành khách T3 và hạ tầng kết nối xung quanh sân bay để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao. Theo dự kiến, nhà ga T3 đang được xây dựng với công suất dự kiến 20 triệu lượt khách/năm và sẽ đi vào hoạt động trước dịp lễ 30-4-2025, qua đó giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

img_2374.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư. Ảnh: H.Phạm

Liên quan đến phát triển các giải pháp bền vững, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đang thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2020-2030, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26. Ngoài ra, tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp xanh, cùng với các chính sách hỗ trợ liên quan.

Tại buổi đối thoại, cộng đồng doanh nghiệp FDI cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam đã có nhiều thiện chí, cải thiện những đề xuất mà cộng đồng doanh nghiệp FDI đã đưa ra.

img_2468.jpg
Các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI mong thủ tục đầu tư thông thoáng hơn. Ảnh: H.Phạm

Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển mới hiện nay, còn nhiều vấn đề mà các tỉnh, thành nói chung cần phải thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cũng như thu hút được dòng vốn mới từ các nhà đầu tư.

Ông Seck Yee Chung, Đồng Trưởng nhóm Đầu tư và Thương mại VBF chia sẻ, theo quy định, đối với một ngành mà Việt Nam không cam kết trong bất kỳ điều ước quốc tế nào, nếu pháp luật Việt Nam không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành đó và không có điều kiện nào ngay cả khi áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước, thì họ vẫn có quyền thực hiện ngành đó tại thị trường Việt Nam.

Tuy vậy, trên thực tế, khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho hoạt động đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực chưa có cam kết trong các điều ước quốc tế có nhiều vướng mắc từ các cơ quan có thẩm quyền. Điều này đã gây ra nhiều trở ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài, có thể ảnh hưởng đến quá trình đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, ông Seck Yee Chung cũng đề cập tới việc quá tải khối lượng công việc ở một số cơ quan đăng ký doanh nghiệp, dẫn đến việc các hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại một số địa phương bị tồn đọng. Thời gian giải quyết hồ sơ bị kéo dài hơn thời gian quy định. Thậm chí, kéo dài đến hơn 1 tháng cho hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong khi, theo quy định, để thực hiện thủ tục này chỉ 3 ngày làm việc.

img_2277.jpg
Qua chương trình, khuyến khích nhà đầu tư có sự cam kết đầu tư dài hạn, chiến lược tại thành phố và các tỉnh, thành phía Nam. Ảnh: H.Phạm

Trong nhóm lao động, việc làm, ông Colin Blackwell, Trưởng Nhóm nguồn nhân lực VBF cũng đề nghị cần thiết mở rộng hiệu lực về mặt địa lý của giấy phép lao động. Quy định hiện hành đòi hỏi người lao động phải xin giấy phép lao động tại nơi dự kiến làm việc và cập nhật từng địa điểm làm việc khi người lao động được cử đi làm việc ở các địa phương khác nhau là không thực tế trong nhiều trường hợp.

Thay vào đó, việc cấp một giấy phép lao động duy nhất tại địa điểm đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện báo cáo khi người lao động được cử đi công tác từ 30 ngày trở lên tại một địa phương khác sẽ hiệu quả và mang tính thực tiễn hơn.

Trước ý kiến của các nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nhấn mạnh, thành phố và các tỉnh, thành sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp FDI trong giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp FDI nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, khuyến khích nhà đầu tư có sự cam kết đầu tư dài hạn, chiến lược tại thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.