Nông nghiệp - Nông thôn

Phụ nữ nông thôn tích cực chuyển đổi số

Ánh Dương 18/09/2024 - 06:40

Thời gian qua, nhiều mô hình kinh tế hợp tác xã do phụ nữ làm chủ đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, kết nối các nền tảng công nghệ, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại…, góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế ở địa phương.

nn.jpg
Hợp tác xã Sản xuất và Chế biến nông sản Yến Anh (huyện Ba Vì) tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nữ. Ảnh: Minh Thư

Nằm ở địa bàn xa trung tâm của Thủ đô, Hợp tác xã Sản xuất và Chế biến nông sản Yến Anh, xã Châu Sơn (huyện Ba Vì), là một mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ tham gia quản lý điều hành, chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng chế biến từ nông sản. Hợp tác xã có 7 thành viên, tạo việc làm cho hơn 80 lao động địa phương với thu nhập từ 4 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng. Được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Hội Liên hiệp phụ nữ và chính quyền địa phương, hợp tác xã đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, máy móc, thiết bị thực hiện quy trình sản xuất từ khâu chế biến đến đóng gói các sản phẩm.

Ngoài việc tổ chức 5 điểm bán hàng tại 5 tỉnh, thành phố, như: Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Ninh, hợp tác xã còn tích cực tham gia trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm cấp huyện, thành phố, trung ương tổ chức. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các thành viên hợp tác xã sử dụng sàn thương mại điện tử Shoppee, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, TikTok làm nền tảng giao thương.

Chia sẻ về hoạt động của Hợp tác xã Sản xuất và Chế biến nông sản Yến Anh, bà Phạm Thị Tư Hậu là thành viên sáng lập cho biết, hợp tác xã là nơi kết nối thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản thô của nông dân huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội. Thông qua chuyển đổi số, liên kết để quảng bá thương hiệu và phát triển thương hiệu theo chuỗi giá trị, hợp tác xã đã nhanh chóng tạo được chỗ đứng trên thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) cũng đang đi đầu trong việc ứng dụng chuyển đối số. Phó Tổng Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Đào Thị Thanh chia sẻ, việc phát triển công nghệ số vào sản xuất được hợp tác xã chú trọng. Trước tiên, phải kể đến hệ thống trạm thời tiết thông minh, liên kết ứng dụng iMetos. Ứng dụng này sẽ đưa ra cảnh báo trực tiếp đến điện thoại thông minh của người sử dụng về các thông tin thời tiết, như lượng mưa, nắng, độ ẩm... Nhờ đó, nông dân điều chỉnh lại thời vụ, lịch bón phân sao cho hợp lý, tránh cho cây trồng bị ảnh hưởng.

Trong sản xuất gắn với tiêu thụ, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn đang áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa ứng dụng điện tử, cho phép truy xuất nguồn gốc từ mã QR in trên bao bì sản phẩm tới thửa ruộng của nông dân. Ứng dụng không chỉ mang lại lợi ích cho người mua, mà còn hỗ trợ người sản xuất trong việc lên kế hoạch sản xuất, điều chỉnh sản lượng, tính toán hiệu quả kinh tế của thửa ruộng nhờ vào việc theo dõi, thống kê tiêu thụ và gia tăng uy tín cho vườn trồng của các thành viên trong hợp tác xã.

Còn đối với Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh), mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi "5 nhà": Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng đã giúp hợp tác xã gặt hái được nhiều thành công, đặt nền móng cho phương pháp sản xuất ứng dụng công nghệ số mang tên “Giải pháp hữu cơ vi sinh Orgavina”. Ngoài ra, hợp tác xã còn đẩy mạnh liên kết với các hợp tác xã khác để phát triển theo hướng xanh, bền vững. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương Phạm Thị Lý cho rằng, mỗi hợp tác xã là một mảnh ghép với một “tính cách” riêng biệt, để cùng tạo nên một chuỗi hệ thống đa năng, cung cấp những sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất tới người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa khẳng định, những mô hình kinh tế hợp tác xã ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh của phụ nữ khu vực nông thôn Thủ đô dù còn mới, nhưng đã thuyết phục và lan tỏa trong đời sống. Từ đó, thu nhập của người sản xuất được nâng cao, kinh tế nông thôn ngày càng phát triển. Nỗ lực thực hiện chuyển đổi số trong phát triển kinh tế của phụ nữ khu vực nông thôn đã và đang góp phần xây dựng quê hương phát triển bền vững, hiện đại, văn minh.