Phát triển mô hình “Hệ sinh thái học tập, sáng tạo” trong trường học
Chiều 17-9, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức hội thảo “Hệ sinh thái học tập sáng tạo ở các cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội - Điều kiện hình thành và khả năng ứng dụng”.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đây là sự kiện nhằm triển khai chương trình phát triển mô hình “Hệ sinh thái học tập, sáng tạo” ở các cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội, do UBND thành phố ban hành kèm theo Quyết định số 4906/QĐ-UBND ngày 8-12-2022. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là cơ quan thường trực, được giao chịu trách nhiệm toàn diện về việc xây dựng và thực hiện chương trình này.
Mục tiêu chung của chương trình là xây dựng và phát triển mô hình “Hệ sinh thái học tập, sáng tạo” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, trong đó nhấn mạnh việc phát triển năng lực học tập, sáng tạo của học sinh, đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố Hà Nội sáng tạo.
Giai đoạn 2023-2025, chương trình đặt mục tiêu phát triển thử nghiệm ít nhất 7 mô hình “Hệ sinh thái học tập, sáng tạo” tại 25 trường học công lập và ngoài công lập trong các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội; tập huấn cho 5% giáo viên cốt cán các cấp trên toàn thành phố về nội dung này.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển công nghệ hiện đại, việc xây dựng hệ sinh thái học tập sáng tạo là yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển bền vững. Hệ sinh thái này không chỉ tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc học tập, mà còn khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo và hợp tác giữa các cá nhân, tổ chức và cộng đồng.
"Hệ sinh thái học tập, sáng tạo" bao gồm nhiều thành phần như trường học, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các cộng đồng. Mỗi thành phần đảm nhận vai trò khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu chung là khuyến khích việc học hỏi suốt đời và phát triển kỹ năng thực tiễn cho người học, qua đó không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà còn cho xã hội, giúp tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
40 tham luận gửi tới hội thảo tập trung vào 2 chủ đề chính: Điều kiện hình thành hệ sinh thái học tập sáng tạo, cơ hội và thách thức; khả năng ứng dụng "Hệ sinh thái học tập, sáng tạo", các mô hình giáo dục, dạy học sáng tạo.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà giáo đã thảo luận, chia sẻ về một số chương trình giáo dục sáng tạo ở các trường học hiện nay; về năng lực số và yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên trong "Hệ sinh thái học tập, sáng tạo"; ứng dụng công nghệ trong dạy học sáng tạo...
Ngoài ra, các ý kiến còn thảo luận về việc xây dựng bộ công cụ đánh giá "Hệ sinh thái học tập, sáng tạo" trong trường học; khả năng ứng dụng hệ sinh thái học tập ở từng cấp học; thử nghiệm bộ công cụ khảo sát thực trạng mô hình câu lạc bộ sáng tạo trong các trường học ở Hà Nội...