Gia đình

Bài tham dự cuộc thi viết: “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”Chuyện ông bố nhà quê đưa con đi xin lỗi bạn

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái 09/09/2024 15:52

Chuyện xảy ra đã hơn 22 năm nay. Tối đó, tôi đi làm về khá muộn, trời Hà Nội mưa lâm thâm, hơi lạnh, báo hiệu một mùa đông giá rét đã trở về.

Đón tôi ở cửa, vợ tôi nói nhỏ với tôi: “Anh ạ! Cô giáo chủ nhiệm gọi điện nói Hùng nhà mình đánh bạn gái cùng lớp, gia đình đề nghị bố mẹ đến nhà bạn ấy xin lỗi”. Tôi hơi sững người rồi trầm ngâm cùng cả nhà ngồi vào mâm cơm.

Bữa cơm tối nhà tôi bao giờ cũng thật vui vì mọi người cuối ngày về tề tựu. Cháu Hùng con trai tôi lúc đó học Trường Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng. Đây là trường thuộc top đầu về chất lượng dạy và học của quận và thành phố mà cả hai con tôi đều được học ở trường này, nên các cháu rất ngoan và học giỏi.

Tối đó, tôi cũng vui vẻ như không có gì khác thường. Sau bữa ăn, tôi mới gọi Hùng ra bàn uống nước hỏi chuyện ở trường. Thấy con trai có vẻ sợ sệt, tôi động viên cháu không sao cả, nếu con có lỗi thì phải biết nhận lỗi là được. Hùng thành thật bảo có chuyện đó. Tôi hỏi vì sao mình là con trai mà lại đánh bạn gái, phải có nguyên nhân gì quan trọng lắm chứ.

Vậy là cháu kể: “Chiều nay, bạn Hương bị mấy bạn trai cùng lớp cãi nhau trong khi khênh bàn ghế rồi bỗng lao vào đánh nhau. Vậy là con nhảy vào can, chẳng may giơ chân đạp phải bạn Hương một cái. Sau đó, người nhà bạn ấy đến báo với cô chủ nhiệm. Cô giáo nhắc nhở chúng con rồi, chúng con đã làm lành với nhau và hứa với cô giáo không bao giờ tái phạm nữa”. Tôi nói với con: “Bố sẽ đưa con đến nhà bạn Hương xin lỗi bạn ấy nhé. Ta đi thôi”.

anh-cv-1-.jpg
Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng con người và phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới. Ảnh: Quang Vinh (ĐĐK)

Nhà tôi ở phường Vĩnh Tuy, lên phố Lò Đúc chỗ nhà cháu Hương cũng chỉ vài cây số. Lúc ấy, có người trong nhà can ngăn, lấy lý do trời mưa lạnh, chuyện trẻ con không cần phải “cầu kỳ” như thế. Nhưng thấy thái độ kiên quyết của bố con tôi, cả nhà đều vui vẻ ủng hộ, dù nhìn chúng tôi đi một cách ái ngại.

Nhờ có địa chỉ từ cô giáo chủ nhiệm nên hai bố con tôi nhanh chóng tìm được nơi cần đến. Trong nhà có điện sáng mà im ắng khiến tôi cũng thấy hồi hộp. Tôi nhìn sang con trai thấy cháu có vẻ bối rối. Lúc ấy, lòng tôi trào lên nỗi thương con vô bờ. Mình có quá khắt khe với con không? Hay là thôi, quay về? Nhưng tôi nghĩ, nếu mình ra về thì gia đình cháu Hương sẽ nghĩ thế nào về con trai tôi, về gia đình tôi? Biết đâu bố mẹ cháu Hương trong lúc nóng giận mà có suy nghĩ rằng, bố Hùng là công an hay dạy con dùng vũ lực thì oan cho nhà tôi quá. Hoặc cũng có thể biết tôi là người xứ Nghệ, biết đâu bố mẹ cháu Hương lại cho rằng, nghe nói dân trong Nghệ tính tình nóng nảy nên con cái bị ảnh hưởng.

Vậy là tôi nín thở gõ cửa. Ngay tức khắc có tiếng đàn ông vọng ra: “Ai đấy? Chờ một tí”. Rồi cửa mở, một người đàn ông - tôi đoán là chủ nhà - ngạc nhiên thấy bố con tôi mặc áo mưa đứng ngoài, tôi nói nhỏ:

- Tôi là bố của cháu Hùng, bạn cháu Hương, muốn gặp gia đình một chút ạ!

- Trời ơi - Người đàn ông kêu lên - Xin mời bác vào nhà.

Rồi anh xuýt xoa: "Em có bảo bác lên nhà đâu. Khổ thân hai bố con. Mời bác và cháu vào nhanh kẻo lạnh".

Tôi cùng con trai ngồi xuống ghế. Con trai tôi còn nhỏ nhưng đã biết lễ phép, cháu ngồi đầu cúi xuống, hai tay đan vào nhau, nhìn bố như cầu cứu. Vừa lúc đó, bố cháu Hương gọi to: “Hương ơi, ra rót nước mời bác và bạn Hùng đến chơi”.

Rồi cháu Hương đi ra, nhẹ nhàng chào hai bố con tôi. Cháu nhìn con trai tôi bằng ánh mắt thật hiền dịu, pha chút cảm thông. Đó quả là ánh nhìn rất người lớn, đầy bao dung của một đứa trẻ tự lập. Rồi cháu lui vào phòng trong như không muốn làm khó cho bạn và như thể ra dấu hiệu không còn giận bạn nữa.

Tôi nói mấy lời với bố Hương, đại ý là chuyện tuy trẻ con nhưng là người lớn phải phối hợp để dạy các cháu. Bố Hương cứ xuýt xoa mãi. Anh kể rằng, anh quê ở Nam Định, vợ mới mất gần đây.

“Em là kiến trúc sư, mấy hôm nay đang đi làm ăn ở Phú Thọ, nhờ người giúp việc trông cháu, đưa cháu đi học. Chiều nay bỗng nghe người giúp việc gọi điện thoại lên bảo cháu Hương bị bạn đánh. Em thương cháu quá, mẹ cháu lại mới mất nên em càng lo mà chạy về ngay. Biết là cháu không sao nhưng những ngày này, cháu dễ bị tổn thương lắm… Em bảo với người giúp việc nói với bố mẹ cháu Hùng để nhắc nhở các cháu, chứ có yêu cầu gia đình phải lên nhà đâu. Em xin lỗi bác nhé!”.

Tôi ngồi lặng đi, không biết nói thế nào vì cũng thấy thương hoàn cảnh của bố con anh. Thì ra là thế, cháu Hương trong hoàn cảnh mẹ mất sớm mà bị bất cứ ai động vào người một chút thì nỗi đau vì sự cô đơn sẽ tăng lên gấp nhiều lần. May mà bố con tôi đã đến nhà. Hèn chi lúc nãy tôi quan sát thấy cháu đứng nấp sau cánh cửa nhìn con trai tôi cười mỉm thì phải…

Một lúc, bố của Hương nhìn con trai tôi nói nhỏ nhẹ: “Hùng à, bạn gái là yếu đuối lắm. Từ nay ai động đến bạn gái là cháu đứng ra bảo vệ nhé. Chúng ta là đàn ông mà, phải không cháu?”. Con trai tôi ngẩng lên nói khẽ hai từ: “Vâng ạ!”.

Hai bố con tôi ra về. Trời lạnh hơn nhưng cả hai bố con cảm thấy thật là ấm áp. Để con đỡ cảm thấy nặng nề, tôi cố tình không nói về câu chuyện vừa xảy ra. Con trai tôi vui lắm, kể chuyện líu lo như vừa trút đi một gánh nặng…

Từ đó về sau, trước lúc con trai tôi bước vào tuổi chịu trách nhiệm công dân, vợ chồng tôi cũng không phải lần nào thay con xin lỗi ai đó nữa. Tôi có một niềm tin rằng trong cuộc đời của con trai tôi sau này, hẳn cháu sẽ trưởng thành, sẽ sống tốt hơn, ứng xử văn hóa hơn khi nhớ lại có một lần trong đời được bố dẫn đi xin lỗi. Ký ức tuổi thơ thì nhớ lâu lắm, nhớ không thể nào quên…

Không ngờ, gần đây, trong một lần đi nước ngoài thăm con trai, nhắc lại câu chuyện ngày xưa, tôi được Hùng tâm sự: “Hồi đó, con biết bạn Hương mẹ mới mất mà bị bắt nạt nên con liền lao vào mà bảo vệ bạn ấy. Chẳng may làm bạn ấy đau mà hiểu lầm. Cô giáo chủ nhiệm cũng không tin con nên nói với mẹ như vậy. Khi bố bảo con đến nhà bạn Hương, thôi thì con cũng đi cùng bố nói lời xin lỗi để bạn ấy được vui. Con nghĩ bạn ấy mới mất mẹ nên hẳn là buồn lắm”.

Chao ôi, một cậu bé học chưa hết lớp 6 mà đã có những suy nghĩ và ứng xử khiến tôi phải giật mình. Tôi vốn là một ông bố “nhà quê” sống ở Thủ đô, đã biết đến nhà một ông bố nhà quê khác xin lỗi thay con mình. Đó được coi như là sự cố gắng để góp cho nơi mình sống một cử chỉ thân thiện. Nhưng thật mừng là thế hệ các con tôi, chúng được sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, các cháu được học nhiều hơn để có cách ứng xử hào hoa, tiếp nối truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Người nhà quê sống ở Hà Nội như tôi thì nhiều lắm. Nhưng chúng ta và con cái mỗi ngày sẽ không ngừng học hỏi, rèn luyện nếp sống văn hóa để cùng nhau làm cho Hà Nội đẹp thêm mỗi ngày.

logo-dien-tu-moi-02.jpg