Y tế

Bệnh Whitmore nguy hiểm thế nào khi không được chẩn đoán đúng?

Thu Trang 17/09/2024 - 11:38

Ngày 17-9, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của căn bệnh Whitmore khó chẩn đoán với tỷ lệ tử vong cao.

Theo đó, Whitmore là bệnh do vi khuẩn có tên Burkholderia pseudomallei gây ra. Bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với môi trường có chứa vi khuẩn. Đặc biệt, khi có vết trầy xước trên da, nguy cơ lây nhiễm càng cao và bệnh tiến triển nhanh hơn.

Điều đáng nói là bệnh có diễn biến và triệu chứng lâm sàng đa dạng. Do đó, khi được chẩn đoán và điều trị không đúng, bệnh có tỷ lệ tử vong cao, có thể lên tới 40%.

benh-whitmore.jpg
Bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cụ thể, thời gian qua, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viên Bạch Mai) liên tục tiếp nhận các ca bệnh với triệu chứng sốt, kém ăn, sụt cân, sưng và áp xe một số vị trí trên cơ thể. Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh nhân rất giống và thường nhầm lẫn với bệnh lao, nhiễm khuẩn tụ cầu.

Điển hình là bệnh nhân T.V.L (58 tuổi ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vào viện trong tình trạng viêm phổi, áp xe tiền liệt tuyến, trực tràng, kém ăn, sụt cân. Áp xe chính là các ổ nhiễm trùng do vi khuẩn tạo ra. Theo bệnh nhân chia sẻ, xung quanh khu vực sinh sống cũng từng có trường hợp nhiễm bệnh Whitmore tử vong.

Trường hợp khác là bệnh nhân P.C.G (48 tuổi, ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) nghề nghiệp làm ruộng, thợ xây, hay tiếp xúc với bùn đất. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốt, sưng đau, áp xe tay trái, đau nhức trong xương. Trước đó, bệnh nhân đã từng nhiều lần bị áp xe ở các vị trí khác nhau trên cơ thể, tái đi tái lại, điều trị ở tuyến trước không tìm ra nguyên nhân.

Điều đáng nói, các bệnh nhân này đều có bệnh nền đái thái đường. Sau khi xác định rõ nguyên nhân, bệnh nhân mắc Whitmore đã được sử dụng phác đồ kháng sinh mà Bộ Y tế khuyến cáo; đồng thời phối hợp cùng nhiều chuyên khoa để xử trí các ổ áp xe, kiểm soát đường máu, dinh dưỡng và nâng cao thể trạng. Hiện, các bệnh nhân đã cắt sốt, ổ áp xe được xử lý, sức khỏe được cải thiện.

Ngoài những trường hợp trên, Trung tâm Bệnh nhiệt đới cũng tiếp nhận nam bệnh nhân L.D.D (45 tuổi ở Thái Bình) làm nghề lái tàu biển. Bệnh nhân này cũng có tiền sử đái tháo đường và được phát hiện có ổ áp xe trong não.

Khi vào Trung tâm Thần kinh cấy máu, mủ phát hiện vi khuẩn Whitmore, nam bệnh nhân được chuyển sang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Sau hơn 20 ngày điều trị kháng sinh và hồi sức tích cực, bệnh nhân đã đỡ sốt, đỡ đau đầu, xét nghiệm ổn định. Tuy nhiên, bệnh nhân cần được điều trị kháng sinh và theo dõi kéo dài ít nhất trong 6 tháng tiếp theo.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc Whitmore, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới khuyến cáo, người dân không nên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, ứ đọng lâu ngày, đặc biệt là khi có vết thương ngoài da, vết trầy xước, chảy máu; hoặc người có nhiều bệnh lý nền.

“Việt Nam là vùng dịch tễ lưu hành Whitmore. Khi người bệnh bị sốt, có các ổ viêm, áp xe nhiều nơi cần nghĩ ngay đến nguy cơ mắc Whitmore, đặc biệt người có bệnh nền đái tháo đường. Việc cấy phát hiện Whitmore sớm rất quan trọng trong lộ trình, phác đồ điều trị, giảm thiểu nguy cơ tử vong”, PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.