Văn nghệ

Nghệ sĩ nhân dân Phạm Trà My: 40 năm trọn vẹn đam mê

Hà Vân 17/09/2024 08:16

Gần đây, “niềm vui kép” đến với Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Phạm Trà My khi chị bảo vệ thành công luận án, trở thành Tiến sĩ âm nhạc đầu tiên về đàn tranh, và đón nhận danh hiệu NSND do Nhà nước trao tặng.

Đó là phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến bền bỉ của nghệ sĩ Phạm Trà My với cây đàn tranh suốt 40 năm qua...

638615526497318295-nsnd-pham-tra-my.jpg
Nghệ sĩ nhân dân Phạm Trà My.

1. Nghệ sĩ Phạm Trà My đến với đàn tranh như một định mệnh và “yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”. “Đó là vào năm 1982, khi tôi mới 9 tuổi, một lần tình cờ nhìn thấy trên truyền hình một nữ nghệ sĩ ngồi chơi một cây đàn gì đó với dáng nghiêng nghiêng rất đẹp. Hình ảnh ấy ấn tượng tới mức tôi nằng nặc xin bố mẹ cho đi học đàn tranh, ngay cả khi tôi chưa biết tên cây đàn ấy là gì” - Phạm Trà My nhớ lại.

Trước quyết tâm của con gái, bố mẹ chị đã mua đàn và tìm thầy dạy. Và rồi mỗi ngày, bố của chị lại đạp xe đưa đón con luyện thi tại Nhạc viện. Năng khiếu bẩm sinh cùng sự chăm chỉ, quyết tâm nên chỉ sau 2 tháng ôn luyện, tiếng đàn của cô bé Trà My đã chinh phục được các thầy cô ở Hội đồng tuyển sinh để đỗ vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Một kỷ niệm vui ngày đó là khi bước chân vào phòng thi, gặp đúng nghệ sĩ nhìn thấy trên tivi hôm nào đang ngồi ở ghế giám khảo, Trà My run tới mức ôm đàn suýt vấp ngã (sau này chị mới biết đó là nghệ sĩ Phương Bảo, NSND đầu tiên của đàn tranh).

Phạm Trà My nhớ lại: “Thời bao cấp khó khăn, bố mẹ dành cho tôi những điều tốt đẹp nhất, chỉ nhắn nhủ hãy quyết tâm với đam mê của mình. Chỉ tiếc là bố tôi đã đi xa 20 năm, ông không được tận mắt chứng kiến niềm vui tôi có được ngày hôm nay”.

2. Tại Học viện, Phạm Trà My hoàn thành các chương trình từ sơ cấp, trung cấp tới đại học chỉ mất 10 năm (thông thường phải mất 13 năm), là sinh viên có thành tích học tập tốt nhất trong khối nghệ thuật cả nước, được đại diện cho sinh viên Học viện tham dự Đại hội Sinh viên toàn quốc...

Đặc biệt, năm 1992, khi đang là sinh viên, Phạm Trà My đã tham gia “Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc” và giành Huy chương bạc (không có Huy chương vàng) khi trình tấu bản concerto viết cho đàn tranh và dàn nhạc dân tộc của Đình Long (có tên “Khúc hát quê hương”) và “Tiếng suối reo” (nhạc phẩm Nhật Bản)...

Chị được Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam giữ lại làm giảng viên ngay sau khi tốt nghiệp, nhưng chưa khi nào chị xa rời công việc biểu diễn. Những năm 2000, chị cùng các bạn học cùng lứa thành lập ban nhạc “Hoa Tràng An”, biểu diễn tại nhiều sự kiện trong nước và lưu diễn ở nước ngoài. Sau này, chị cùng nghệ sĩ đàn bầu Ngô Trà My, DJ Trí Minh... mang đến cho khán giả nhiều bản hòa tấu mang màu sắc đương đại vô cùng thú vị, cuốn hút.

Là một cây đàn thuần Việt, âm sắc trong trẻo, tinh khiết, khi thì thánh thót vui tươi, lúc lại thong dong như nước chảy mây trôi, nên đàn tranh được sử dụng ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Ngay từ năm 2006, với vai trò phụ trách âm nhạc cho phim “Chuyện của Pao”, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đã sử dụng tiếng đàn tranh do chính Phạm Trà My thể hiện, tạo hiệu ứng âm nhạc vô cùng độc đáo trong phim. Sau này, hình ảnh nghệ sĩ Phạm Trà My cùng cây đàn tranh luôn xuất hiện trong các chương trình “Ngày văn hóa Việt Nam” tại các nước, chương trình “Xuân quê hương”, Festival đàn dây thế giới...

Cùng với cây đàn tranh thân thuộc, Phạm Trà My đã tới biểu diễn tại Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Phần Lan, Hà Lan, Mỹ, Italia, Nga, Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Với thanh âm réo rắt, giàu cung bậc, đàn tranh đặc biệt phù hợp với những bài dân ca, các làn điệu truyền thống như cải lương, quan họ..., là món quà tinh thần gửi tặng những người con xa quê. Nhiều khán giả thổ lộ rằng nghe tiếng đàn tranh của chị, họ thấy quê hương như ở thật gần.

Năm 2014, nhóm nhạc của nghệ sĩ Phạm Trà My đã được Đại sứ quán Mỹ chọn mời biểu diễn tại Bộ Ngoại giao, 7 thành phố và nhiều trường học ở Mỹ; ở đâu nhóm cũng nhận được tình cảm yêu mến của khán giả. Cũng năm đó, chị được nhận Bằng khen “Sứ giả Hòa bình” do Bộ Ngoại giao Mỹ trao tặng. Và năm 2023 vừa qua, nghệ sĩ Phạm Trà My cùng nghệ sĩ cello Bryan Wilson, nghệ sĩ đàn bầu Ngô Trà My và DJ Trí Minh đã khiến khán giả vỗ tay không ngớt khi kể câu chuyện bằng âm nhạc thông qua những bản hòa tấu như “Nhật ký của mẹ”, “Mùa xuân đầu tiên”, “Tình ca Tây Bắc”...

3. NSND Phạm Trà My luôn nói về những thành tựu nghệ thuật của mình một cách nhẹ nhàng, nhưng chắc chắn, thành công trong nghệ thuật không đến một cách dễ dàng. Đó là kết quả của quãng thời gian dài luyện tập quên ăn, quên ngủ. Thuở nhỏ, gia đình chị sống trên tầng 2 của căn nhà có tới 4 gia đình ở. Nhiều đêm tập đàn, để không ảnh hưởng tới giấc ngủ của mọi người, chị phải tập tay không, không dám đeo móng sắt. Ở trường, hết giờ học chính khóa, chị thường nán lại phòng tập tới muộn mới về. Bên cạnh đó, thời điểm chị theo học đàn tranh cũng là lúc âm nhạc hiện đại phương Tây bắt đầu du nhập vào trong nước. Nhiều bạn bè cùng trang lứa chuyển dần sang âm nhạc hiện đại. Nhưng Phạm Trà My vẫn cặm cụi bên cây đàn tranh. Khi đó, đã từng có người cho là chị gàn dở.

Thế rồi, tình yêu kiên định với đàn tranh đã mang lại cho Phạm Trà My những thành tựu xứng đáng. Đó là Giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan âm nhạc quốc tế tại Italia, Liên hoan âm nhạc quốc tế tại Confolens (Pháp). Lần lượt các năm 2006, 2008, 2010, Phạm Trà My là đại diện duy nhất của Việt Nam được mời tham dự Liên hoan đàn tranh châu Á tại Hàn Quốc, Việt Nam, Đài Loan...

Một loạt Huy chương vàng tại “Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc” những năm 2017, 2020, 2023... cho thấy sự cống hiến bền bỉ ở người nghệ sĩ mảnh mai này. Cùng với các nghệ sĩ Hải Phượng, Hồng Nga, Phạm Trà My được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nghệ sĩ đàn tranh xuất sắc nhất Việt Nam hiện nay.

Nhìn nữ nghệ sĩ xinh đẹp, duyên dáng trong từng cử chỉ và nụ cười tươi tắn trên môi, ai cũng nghĩ Phạm Trà My hẳn có một cuộc sống viên mãn. Nhưng, ít ai biết rằng chị đã nếm trải đủ mọi hỷ nộ ái ố trong cuộc đời. Có những thời điểm cả sức khỏe, nỗi buồn cùng thử thách người nghệ sĩ bé nhỏ này.

Giờ đây, với cương vị là Trưởng bộ môn Đàn tranh tại khoa Âm nhạc truyền thống - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, thành viên Dàn nhạc Truyền thống Việt Nam, thành viên Dàn nhạc châu Á..., điều mà chị đau đáu là làm thế nào để lan tỏa được tình yêu đàn tranh, yêu âm nhạc dân tộc tới những người trẻ.

Không chỉ tận tâm dạy dỗ nhiều thế hệ học trò tại Học viện, NSND Phạm Trà My luôn cố gắng để những thế hệ sau tiếp cận với cây đàn tranh dễ dàng hơn. Vài năm trước, chị thực hiện CD “Cầm khúc”, tập hợp những tác phẩm biểu diễn thành công của mình với mong muốn các học trò thêm thuận lợi trong quá trình học tập. Với bản luận án Tiến sĩ “Nghệ thuật diễn tấu đàn tranh từ 1956 đến năm 2020” gồm nhiều tư liệu quý, chị ấp ủ mong muốn in thành sách để các thế hệ sau có tư liệu tham khảo.

PGS.TS Phạm Phương Hoa, Quyền Trưởng phòng Đào tạo, quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đánh giá: “Luận án của NSND Phạm Trà My có giá trị cao, đã tổng kết toàn bộ quá trình hình thành, phát triển của cây đàn tranh cũng như khẳng định vị trí của đàn tranh trong đời sống âm nhạc đương đại. Công trình này sẽ được đưa vào giảng dạy ở bậc cao học”.