Đô thị

Sớm “rộng đường” cho chiếu sáng xanh

Bảo Hân 17/09/2024 08:28

Trong xu thế phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững, chiếu sáng xanh là bộ phận cấu thành không thể thiếu.

Là địa phương tiên phong trong ứng dụng các công nghệ chiếu sáng xanh, Hà Nội đã đầu tư Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng quy mô lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực mới, cần sớm hoàn thiện nhiều tiêu chí, đáp ứng các yêu cầu đặt ra để việc phát triển đúng hướng.

Lực lượng chức năng kiểm tra thực phẩm không rõ nguồn gốc tại một điểm tập kết ở quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Hoài Nam
Hệ thống chiếu sáng bằng công nghệ đèn LED tại tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Hà Ly

Giải pháp đơn giản, hiệu quả

Chiếu sáng xanh hướng tới phát triển bền vững vẫn là khái niệm còn mới. Tuy nhiên, theo quan điểm chung của các chuyên gia trong lĩnh vực, chiếu sáng xanh là tổng thể của các giải pháp chiếu sáng sử dụng nguồn sáng có hiệu suất cao, tiết kiệm điện và thân thiện với môi trường; được thiết kế hợp lý, khoa học đáp ứng các tiêu chuẩn về chiếu sáng và ứng dụng công nghệ điều khiển thông minh và giải pháp chuyển đổi số trong quản lý vận hành.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chiếu sáng Việt Nam, chức năng chiếu sáng ngoài việc bảo đảm các điều kiện về tiện nghi lao động, sinh hoạt của con người, nâng cao giá trị thẩm mỹ, chiếu sáng các công trình kiến trúc phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thì ngày nay chiếu sáng còn phải tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

“Ngành công nghiệp chiếu sáng đã có những bước phát triển không ngừng. Trong đó, công nghệ đèn led (Light Emitting Diodes) là một trong những sản phẩm của chiếu sáng xanh, đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường. Cụ thể, về kinh tế, các thiết bị chiếu sáng xanh bằng đèn led chỉ tiêu tốn khoảng 10-20% điện năng trong tổng nguồn năng lượng được yêu cầu để vận hành các thiết bị chiếu sáng thông thường. Khả năng làm việc của đèn từ 30.000-50.000 giờ, do đó chi phí thay thế đèn được giảm tới mức tối thiểu. Về môi trường, đèn LED hầu như không chứa chất độc hại, khả năng tái chế cao, giúp giảm thiểu lượng cacbon thải ra môi trường trong quá trình vận hành”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến nêu.

Còn theo ông Phạm Văn Duy, Trưởng phòng Dự án Công ty cổ phần Điện tử chuyên dụng Hanel, hệ thống chiếu sáng thông minh giúp tiết kiệm năng lượng do dễ dàng điều chỉnh mức độ tiết giảm công suất của đèn LED. Trên thực tế có thể tiết giảm đến 80% nhờ phần mềm điều khiển trực tiếp. Ngoài ra, việc điều khiển và giám sát quản lý vận hành hệ thống chiếu sáng tự động thông qua phần mềm và thiết bị điện thoại thông minh. Việc áp dụng các kỹ thuật vận hành và bảo trì có thể giảm đáng kể chi phí phát sinh trong việc vận hành bảo trì tất yếu, bảo đảm bền vững ổn định lâu dài.

Thực tế, sử dụng hệ thống chiếu sáng LED là giải pháp đơn giản, hiệu quả trong chuyển đổi xanh tại lĩnh vực chiếu sáng bằng khả năng tiết kiệm năng lượng. Ở các thành phố lớn trong cả nước, trong đó có Hà Nội, nhiều trục đường phố đã triển khai thay thế đèn cao áp truyền thống bằng đèn led với nhiều hình thức chiếu sáng khác nhau.

Gỡ rào cản cơ chế, chính sách

Chiếu sáng là lĩnh vực đặc thù nhưng chưa có cơ chế đặc thù để điều chỉnh vì hiện không có đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, chiếu sáng công cộng do Nhà nước quản lý, thuộc lĩnh vực đầu tư công, thiếu các cơ chế huy động đa dạng nguồn lực đầu tư.

Do đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến kiến nghị, trong định hướng sắp tới, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, bổ sung thêm một số nội dung, cơ chế, chính sách để hỗ trợ lĩnh vực chiếu sáng phát triển; nghiên cứu bổ sung cơ chế đấu thầu theo hình thức PPP trong lĩnh vực chiếu sáng để huy động thêm nguồn lực đầu tư; nghiên cứu xem có nên tiếp tục thực hiện cổ phần hóa trong lĩnh vực dịch vụ công ích này hay không…

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico) Nguyễn Anh Tuấn cũng có cùng quan điểm khi nhìn nhận, để phát huy vai trò của chiếu sáng xanh, vấn đề cốt yếu là tháo gỡ rào cản về cơ chế, chính sách, bởi hiện chưa có quy định nào cho phép lĩnh vực chiếu sáng được đầu tư theo hình thức PPP.

"Là đơn vị tiên phong trong cả nước về đầu tư hạ tầng phục vụ chiếu sáng thông minh, hiện đại, việc vận hành, quản lý hệ thống chiếu sáng tại Hà Nội dựa trên hệ thống điều khiển trung tâm. Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố Hà Nội hiện điều hành khoảng 70% hệ thống chiếu sáng đường phố, ngõ xóm với khoảng 1.921 tủ điện”, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý điện chiếu sáng Hapulico nói thêm.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục mở rộng kết nối trung tâm điều khiển từ 70% hiện nay lên 100% tủ điện chiếu sáng hiện có, cũng như đầu tư các công nghệ, giải pháp điều khiển đến từng đèn trên các tuyến phố có khả năng tích hợp chung vào Trung tâm điều hành thông minh của thành phố. Các cột đèn chiếu sáng đa năng cho phép tích hợp các hệ thống Internet vạn vật (IoT) khác của thành phố như cảm biến thông minh, camera giao thông, biển báo giao thông, các thông số môi trường… cũng sẽ được lắp đặt.

Từ góc nhìn thực tế của người tham gia công tác vận hành, quản lý hệ thống chiếu sáng của Hà Nội, ông Lê Trung Kiên đề xuất cần sớm ban hành tiêu chí cụ thể cho chiếu sáng theo hướng xanh, bền vững đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác hướng tới thành phố thông minh. Ngoài ra, cần phải có quy định bắt buộc sử dụng các thiết bị xanh, thông minh trong các công trình chiếu sáng công cộng và thay thế các chủng loại đèn chiếu sáng công nghệ cũ bằng đèn LED.