Nguy cơ rủi ro từ bánh trung thu “đại hạ giá”
Năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi dịp trung thu, những cửa hàng bán bánh trung thu với biển hiệu “đại hạ giá” lại được nhiều người tiêu dùng tìm đến.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia lĩnh vực an toàn thực phẩm, khi lựa chọn các loại bánh giá rẻ, người tiêu dùng cần phải chú ý đến tem nhãn, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, đồng thời quan sát kỹ bao bì sản phẩm, vỏ bánh để phát hiện nấm mốc hoặc hư hỏng khác, tránh nguy cơ rủi ro cho sức khỏe.
Mất an toàn từ điểm “xả hàng”
Để sản xuất ra một chiếc bánh trung thu, phải qua nhiều công đoạn, từ việc lựa chọn nguyên liệu đến quy trình sơ chế, sản xuất, bảo quản… Nếu xảy ra sai sót ở khâu nào rất dễ khiến cho bánh không bảo đảm vệ sinh và tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển, gây hại cho sức khỏe.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian qua, các đoàn kiểm tra của thành phố đã tập trung kiểm tra nguyên liệu đầu vào, cơ sở vật chất, toàn bộ quy trình sản xuất, chế biến, vệ sinh cá nhân, kiến thức của người sản xuất… Ngoài ra, cơ quan chức năng còn kiểm tra hồ sơ pháp lý, điều kiện kinh doanh, sản xuất bánh trung thu.
Tuy nhiên, đáng lo ngại là với các mặt hàng bánh trung thu “siêu rẻ”, không có nguồn gốc, không hạn sử dụng được bán trôi nổi trên thị trường hoặc chào bán trên mạng xã hội, cơ quan chức năng rất khó kiểm soát. Bởi đa phần người bán hàng không đăng ký giấy phép kinh doanh, các sản phẩm không dán tem nhãn, không có địa chỉ nơi sản xuất nên công tác kiểm tra, quản lý gặp nhiều khó khăn.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội thông tin thêm, hiện nay thị trường bánh trung thu đa dạng về chủng loại, chất lượng và giá cả. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua về sử dụng, nhất là với những loại bánh làm từ nguyên liệu giá rẻ, không rõ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng… Đặc biệt, khi mua bánh vào thời điểm cận rằm hay sau rằm, người tiêu dùng cần lưu ý các loại bánh trung thu được “xả hàng”, kiểm tra xem đã hết hạn sử dụng, hay có dấu hiệu mốc, hỏng không.
“Do điều kiện môi trường, khí hậu tại Việt Nam nóng, ẩm… nên nếu bánh trung thu không được bảo quản đúng cách sẽ dễ bị ôi thiu, ô nhiễm, hỏng ở bên trong mà chưa thể hiện ra ngoài vỏ. Đặc biệt, tại các điểm bán “xả hàng” với giá rẻ, bánh được phơi dưới nắng, khói bụi của xe cộ... liên tục trong nhiều ngày như thế, dễ bị ôi thiu, hỏng. Ngay cả những loại bánh được trưng bày trong tủ kính, trước cửa hiệu để người mua tiện quan sát cũng được phơi dưới nắng, ở nhiệt độ ngoài trời trong nhiều ngày. Điều này sẽ vô tình làm sản phẩm tiếp xúc với ánh nắng, làm gia tăng nhiệt độ của bánh, có thể gây chuyển hóa các chất béo trong nhân bánh, thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật...”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh chia sẻ.
Không những vậy, các chuyên gia còn cho rằng, để làm ra một chiếc bánh trung thu cần rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau như: Bột mì, trứng, sữa, các loại hạt, lạp xưởng… Thế nhưng, với những chiếc bánh được bán với giá quá rẻ thì rất khó để bảo đảm về chất lượng. Chưa kể, để có giá thành rẻ, kéo dài thời gian sử dụng, nhà sản xuất có thể cho thêm các loại phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản không được Bộ Y tế cho phép sử dụng, kéo theo nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Đừng ham rẻ để “rước họa”
Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, tránh “rước họa vào thân”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, đối với bánh trung thu nói riêng và thực phẩm nói chung, người tiêu dùng không nên ham rẻ mà tiêu chí đầu tiên phải là an toàn cho sức khỏe. Do đó, người tiêu dùng hãy thận trọng với các loại bánh siêu giảm giá. Khi mua cần kiểm tra kỹ hạn sử dụng, dùng cảm quan để tự kiểm tra màu sắc, mùi vị của bánh để tránh mua phải bánh đã hết hạn sử dụng hoặc sắp hết hạn, bị ôi thiu, nấm mốc và kém chất lượng.
Bánh trung thu sẽ dễ bị hỏng nếu để quá lâu ở nhiệt độ từ 25 độ C trở lên. Bởi vì mức nhiệt này là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi và dễ dàng xâm nhập vào bánh, gây hỏng và mốc bánh. Ngoài ra, đối với bánh trung thu tự làm (handmade) thường không sử dụng chất bảo quản nên loại bánh này chỉ có thời hạn sử dụng trung bình tối đa 7 ngày.
Cụ thể, bánh nướng có hạn 7 ngày, còn bánh dẻo là 4 ngày. Đối với bánh trung thu mua sẵn, nhờ vào một lượng nhỏ chất bảo quản (các chất này phải trong danh mục cho phép của Bộ Y tế) thường có thời hạn sử dụng trung bình khoảng 3 tháng.
Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lưu ý, bánh mua về phải được bảo quản theo đúng hướng dẫn trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất và để ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập. Đặc biệt, người dân chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, bánh không bị biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không có mùi khác lạ. Nhớ rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh. Không nên ăn quá nhiều bánh trung thu và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường thường có trong bánh để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.