Nông nghiệp - Nông thôn

Phát triển bền vững sản phẩm OCOP: Chủ động xây dựng vùng nguyên liệu

Nguyễn Mai 16/09/2024 - 07:22

Một trong những đặc thù của sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) là phải mang nét đặc trưng của địa phương, gắn với tổ chức sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Do đó, nguyên liệu đầu vào là vấn đề quyết định đối với nhiều chủ thể sản xuất OCOP. Hiện, thành phố và các chủ thể OCOP đang nỗ lực tìm giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu để phát triển bền vững.

mo-hinh-che-bien-rau-cu-thanh-ong-hut-cong-nghe-cao-tai-hop-tac-xa-nong-nghiep-song-hong-huyen-dong-anh-.-anh-hai-anh.jpg
Mô hình chế biến rau, củ thành ống hút công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Hải Anh

Còn những khó khăn

Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương (huyện Đông Anh) có 4 sản phẩm được công nhận OCOP, chủ yếu là rau hữu cơ, cùng sản phẩm dược liệu như trà hoa vàng và một số dược liệu bảo hộ được bản quyền giống. Giám đốc Hợp tác xã Phạm Thị Lý cho biết: Là hợp tác xã nhỏ nên khi tham gia Chương trình OCOP, Hợp tác xã lựa chọn sản phẩm gắn với giá trị bản địa, đó là cây rau. “Tiên Dương (huyện Đông Anh) là xã sản xuất rau an toàn lớn của thành phố. Ở đây, người dân có truyền thống trồng các loại rau ăn lá theo mùa như: Bắp cải, su hào vụ đông; bầu bí, mùng tơi vụ hè. Khi thành lập hợp tác xã, chúng tôi đã tiến hành cải tạo đất, triển khai sản xuất theo quy trình an toàn, đưa sản phẩm tham gia dự thi Chương trình OCOP. Sản phẩm của chúng tôi được người tiêu dùng rất hài lòng. Hiện, toàn bộ sản phẩm của hợp tác xã được tiêu thụ trong các bếp ăn tập thể và cửa hàng thực phẩm sạch”, bà Phạm Thị Lý nói.

Mặc dù có bước phát triển rất tốt nhưng theo bà Phạm Thị Lý, việc duy trì vùng sản xuất - là vùng nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm OCOP đối với hợp tác xã là bài toán vô cùng khó khăn. Đông Anh đang trong quá trình phát triển thành quận, toàn bộ vùng trồng rau đều trong quy hoạch và sẽ phải thu hồi đất trong tương lai. Khi đó, việc duy trì nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm OCOP thực sự là khó khăn…

Không riêng vùng trồng rau của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương, theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua, hiện nay, hợp tác xã có diện tích 200ha với sản lượng rau 60.000 tấn/năm. Tuy vậy, vùng trồng rau chủ yếu nằm ngoài bãi sông nên phụ thuộc rất nhiều vào con nước và biến đổi dòng chảy. Cơn bão số 3 và nước sông Hồng dâng cao những ngày qua khiến 100% diện tích trồng rau của hợp tác xã bị thiệt hại, mất trắng. Hiện hợp tác xã có 18 sản phẩm rau được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Đơn vị cũng đang phối hợp với doanh nghiệp Hàn Quốc chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì vậy, vùng sản xuất ổn định là điều rất cần thiết đối với hợp tác xã. “Có bột mới gột nên hồ, nếu thiếu nguyên liệu thì sản xuất bị cầm chừng, không mở rộng được quy mô, không đáp ứng được nhu cầu thị trường”, ông Đàm Văn Đua nói.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là đô thị lớn. Thực tế, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên vùng nguyên liệu cho sản xuất cũng chính là bài toán đặt ra cho các chủ thể OCOP, đặc biệt là nguyên liệu sản xuất nhóm sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến và làng nghề.

Ổn định vùng nguyên liệu cho sản xuất

Hà Nội hiện có hơn 2.700 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Sản phẩm OCOP của Hà Nội không chỉ ngày càng đa dạng về bao bì, mẫu mã, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, mà còn từng bước gia tăng giá trị, góp phần giúp nông dân, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao doanh thu. Với gần 12 triệu người dân đang sinh sống, làm việc trên địa bàn Thủ đô, nhu cầu tiêu dùng nông sản cao, hiện thành phố vẫn phải nhập khẩu nên dư địa về tiêu thụ nông sản thực phẩm còn rất lớn.

Để phát triển sản phẩm OCOP, từng bước hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn và ổn định, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố quy hoạch vùng chuyên canh tập trung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

Hiện nay, ở hầu hết địa phương đều đã hình thành và xây dựng các sản phẩm OCOP, đi đôi với hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, những vùng nguyên liệu của Hà Nội hầu hết manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, việc xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn theo các tiêu chí hữu cơ, an toàn, VietGAP, GlobalGAP, HACCP, xây dựng mã vùng trồng, thương hiệu vùng trồng cho sản phẩm OCOP… chưa được các địa phương và chủ thể OCOP quan tâm đúng mức.

Để tháo gỡ khó khăn, các chủ thể và địa phương cần quan tâm phát triển vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp, hợp tác xã cần bám sát quy hoạch; các địa phương cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ chủ thể phát triển vùng sản xuất. Ngoài ra, để duy trì, phát triển Chương trình OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, cơ quan chức năng của thành phố cần tiếp tục mở rộng liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Tùy điều kiện thực tế, các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang có hướng tháo gỡ để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất. Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tiên Dương Phạm Thị Lý, để bảo đảm nguồn nguyên liệu, từ đầu năm 2024 đến nay, hợp tác xã đã liên kết một số hộ sản xuất tại huyện Sóc Sơn và tỉnh Thái Nguyên để trồng rau xanh. Khi hợp tác xã hình thành được vùng nguyên liệu đã giúp thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín; tạo điều kiện để các hộ dân đổi mới quy trình kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong canh tác…