Đời sống

Làng làm đồ chơi Trung thu bằng sắt tây

Nguyễn Ngọc Tiến 15/09/2024 9:45

Thời bao cấp, đồ chơi Trung thu làm bằng sắt tây còn được bày bán ở Hàng Thiếc, Hàng Mã, nhưng ngày nay thì gần như không còn. Những món đồ đó ban đầu được làm ở Hàng Thiếc, sau là làng Khương Hạ.

Vậy, đồ chơi Trung thu bằng sắt tây xuất hiện ở Hà Nội khi nào?

638612175664960066-dspl.jpg

Trung thu năm 1905, tại Bảo tàng Maurice Long (nay là Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô) đã diễn ra hội chợ đồ chơi dân gian. Hội chợ có đồ chơi Trung thu truyền thống Việt Nam, nhưng không có đồ chơi làm bằng sắt tây.

Theo báo “Khai hóa” số 1 năm 1921 (chủ báo là nhà tư sản Bạch Thái Bưởi), năm 1920, đồ chơi Trung thu bày bán tại phố Hàng Gai đã có những thứ làm bằng sắt tây như châu chấu, thỏ đánh trống, con bướm có cánh vẫy, xe tay, ô tô, Hai Bà Trưng cưỡi voi, tàu thủy làm bằng sắt sơn màu xanh da trời...

Tuy không rõ năm nào, song có thể khẳng định, đồ chơi làm bằng sắt tây xuất hiện trong thập niên đầu thế kỷ XX ở Hàng Thiếc, phố có nghề làm các đồ gia dụng bằng sắt tây như thùng đựng nước, đèn dầu, gáo múc nước, thùng đựng dầu hỏa… Một số người làng Khương Hạ làm thuê cho chủ ở phố này nhận mang về nhà làm. Dần dà, nhiều người trong làng làm theo. Về đồ chơi tàu thủy chạy bằng dầu hỏa, có giả thiết là cuối thế kỷ XIX, làng có nghề sửa xe tay liên quan đến sắt thép và trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, làng có người đi lính thợ bên Pháp, thấy trẻ con bên đó chơi tàu thủy nên khi về nước đã bắt chước làm theo.

Làng Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) xưa làm nông nghiệp nhưng có nghề phụ là muối cà bát. Tuy nhiên, nghề phụ lại thành nghề chính vì nuôi sống cả làng. Thật khó biết nghề muối cà bát có từ khi nào, song từ thời Nguyễn, dân làng muối cà gánh vào bán trong phố. Mùa sen họ gói cà bằng lá sen thơm nức. Sen tàn, họ gói bằng lá bàng, mỗi lá gói một quả, buộc bằng sợi rơm nếp vàng óng. Vào mùa hè, bữa cơm của người Hà Nội thường có rau muống luộc với sấu, và không thể thiếu bát cà đã cắt thành từng miếng, bỏ hết hột và dầm với xì dầu, chút tỏi. Có bát cà ấy thì dù gạo mậu dịch cũng trôi nồi cơm. Khi làng có thêm nghề làm đồ chơi bằng sắt tây, nhiều người làng vẫn muối cà. Nghề này phát triển mạnh nhất trong thời bao cấp.

Xưa, từ tháng Sáu, Khương Hạ đã rộn rã tiếng đục, tiếng búa gò sắt, tiếng đập chan chát... từ sáng sớm đến tối mịt. Mỗi nhà làm một món. Nhưng làm tàu thủy chạy bằng dầu thì không phải nhà nào cũng làm được vì đòi hỏi phải nắm chắc kỹ thuật. Nguyên liệu chính vẫn là sắt tây, sau khi cắt và hàn ghép các miếng sắt là ra hình hài một con tàu. Để con tàu cân bằng trên mặt nước, người thợ phải tính toán kỹ càng. Món đồ chơi này được làm dựa trên kiến thức vật lý cơ bản là dầu hỏa đốt nóng nồi hơi bên trong tàu, truyền nhiệt vào ống dẫn nước khiến nước nóng lên, tạo ra lực đẩy khiến tàu di chuyển. Bí quyết chính là ở cái nồi hơi và lá đồng trong thân tàu được nối với hai ống chứa nước ở hai bên thân. Khi dầu được đốt, sức nóng làm lá đồng phồng lên, nước lạnh được hút vào một bên đầu ống, nước vào làm lá đồng mát trở lại và xẹp xuống, nước lại bị đẩy sang bên kia. Cứ thế quá trình bên đẩy bên hút lặp đi lặp lại khiến tàu di chuyển. Nếu làm không đúng kỹ thuật, tàu sẽ không chạy và không tạo được tiếng kêu “pạch pạch” như tàu thủy thật.

Thời bao cấp, nguyên liệu khan hiếm nên thợ Khương Hạ tận dụng các loại vỏ đồ hộp do các bà đồng nát cung cấp. Không chỉ bán ở Hàng Mã, người buôn các tỉnh cũng về lấy hàng nên từ năm 1954 - 1975 là khoảng thời gian làng Khương Hạ làm ăn khấm khá. Thế nhưng sau năm 1975, số người làm đồ chơi trong làng giảm dần vì xuất hiện những món đồ chơi mới từ miền Nam ra, mặt khác nhiều đồ chơi không còn phù hợp. Tuy nhiên, kiểu tàu rẻ tiền gắn miếng xà phòng vào đuôi, xà phòng tan đẩy tàu chạy, vẫn được trẻ em ưa thích. Đầu thế kỷ XXI, nghề làm đồ chơi bằng sắt tây ở Khương Hạ chết dần vì đồ chơi nhựa Trung Quốc đa dạng, ăn theo các nhân vật trong phim, truyện được gắn pin, có thể điều khiển, được bán với giá rẻ tràn ngập thị trường khiến đồ chơi truyền thống dần mất chỗ đứng. Từ đó, Khương Hạ im tiếng búa, tiếng gõ. Rồi làng lên phố…

Đến đầu năm nay, chỉ còn lại gia đình ông Nguyễn Mạnh Hùng vẫn cặm cụi với những giũa cùng cưa và mảnh sắt tây làm ra những chiếc tàu thủy gắn miếng xà phòng và loại tàu chạy dầu hỏa độc đáo. Không chỉ bán trong nước, khách nước ngoài yêu thích đồ chơi này cũng đến tận nhà đặt hàng. Nhưng thật tiếc vì cuối tháng 5-2024, người nghệ nhân cuối cùng ra đi, mang theo nghề này về thế giới bên kia, chấm dứt nghề làm tàu thủy chạy dầu sau 100 năm tồn tại.