Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân:Bảo đảm Luật Đất đai 2024 được triển khai đồng bộ và hiệu quả
Đưa Luật Đất đai 2024 vào cuộc sống là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò chủ đạo. Dù đã có những bước tiến quan trọng, song quá trình triển khai Luật vẫn gặp không ít khó khăn, nhất là việc ban hành các quy định hướng dẫn tại địa phương.
Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân về các giải pháp nhằm bảo đảm việc thực thi Luật Đất đai 2024 được kịp thời, đồng bộ và hiệu quả.
Xây dựng bảng giá đất mới tránh gây bất ổn cho thị trường và nền kinh tế
- Mặc dù Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, nhưng nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc ban hành bảng giá đất. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?
- Việc triển khai Luật Đất đai 2024 đem lại nhiều cải cách, song cũng tồn tại không ít thách thức, đặc biệt là vấn đề ban hành bảng giá đất. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương sớm hoàn thành văn bản hướng dẫn và điều kiện thi hành luật. Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng triển khai, chúng tôi nhận thấy một số địa phương vẫn chậm xây dựng và điều chỉnh bảng giá đất, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng luật vào thực tế.
Vấn đề nằm ở sự khác biệt giữa bảng giá đất hiện hành, ban hành theo Luật Đất đai 2013 và yêu cầu mới của Luật Đất đai 2024. Theo quy định tại Điều 257, Luật Đất đai 2024, các tỉnh, thành phố được phép tiếp tục áp dụng bảng giá đất cũ đến ngày 31-12-2025. Nếu cần thiết, các địa phương phải điều chỉnh bảng giá đất để phù hợp với tình hình thực tế giá đất hiện nay. Việc điều chỉnh này đòi hỏi sự cân nhắc cẩn trọng để tránh cú sốc tăng giá đột biến, làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.
Đối với Hà Nội, sự thay đổi lớn trong bảng giá đất có thể gây ra tác động mạnh mẽ lên các đối tượng sử dụng đất. Nếu bảng giá đất tăng đột biến, người dân và doanh nghiệp phải đối mặt với các khoản chi phí tài chính lớn hơn, nhất là khi tính tiền thuê đất hằng năm hoặc thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Điều này không chỉ tạo gánh nặng cho người sử dụng đất, mà còn gây ra phản ứng từ phía cộng đồng, có thể dẫn đến tình trạng không đồng thuận trong xã hội.
Mặt khác, nếu địa phương không kịp thời điều chỉnh bảng giá đất và tiếp tục sử dụng bảng giá đất cũ để làm cơ sở đấu giá quyền sử dụng đất, có thể gây ra sự chênh lệch lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá. Sự chênh lệch này không chỉ làm bất thường thị trường đất đai, mà còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước, làm giảm tính công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Chưa kể, những tác động khác tới công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư…
Trước tình hình thực tế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 79/CĐ-TTg ngày 13-8-2024 về việc tổ chức triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 21-8-2024 về việc kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời tổ chức thực hiện Luật Đất đai 2024 và xử lý những tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 5317/BTNMT-QHPTTNĐ ngày 8-8-2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành quy định về giá đất thuộc thẩm quyền theo quy định và Công văn số 5774/BTNMT-QHPTTNĐ ngày 23-8-2024 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó hướng dẫn các địa phương rà soát, đánh giá để quyết định điều chỉnh bảng giá đất áp dụng đến hết ngày 31-12-2025 cho phù hợp với tình hình thực tế giá đất tại địa phương.
- Vậy làm thế nào để việc điều chỉnh bảng giá đất không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, thưa ông?
- Như tôi đã đề cập, việc điều chỉnh bảng giá đất chắc chắn có những tác động lớn đến đời sống dân sinh, nhất là đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố nhanh chóng điều chỉnh bảng giá đất theo tình hình thực tế tại địa phương. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi công văn yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc xây dựng bảng giá đất mới trước ngày 31-12-2025.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát bảng giá đất hiện hành, so sánh với giá thị trường để có cơ sở xây dựng bảng giá đất mới phù hợp. Việc điều chỉnh bảng giá đất không nên thực hiện một cách đồng loạt, mà cần phải phân tích theo từng khu vực, loại đất và vị trí. Điều này giúp tránh tình trạng tăng giá đất đột ngột, nhất là ở những khu vực nhạy cảm về giá đất. Đặc biệt, khi xây dựng bảng giá đất mới, cần tham vấn đầy đủ ý kiến của các bên liên quan, bao gồm cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan chức năng để cân bằng giữa thực tiễn và mục tiêu phát triển, bảo đảm tính đồng thuận cao trong việc thực hiện.
Điều quan trọng, để Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống một cách suôn sẻ, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa trung ương và địa phương; giữa các bộ, ngành và các tổ chức liên quan. Việc xây dựng bảng giá đất mới không chỉ là bài toán kỹ thuật, mà còn là vấn đề xã hội, nên cần có sự cẩn trọng trong từng bước triển khai, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tránh gây ra bất ổn cho thị trường và nền kinh tế.
Không để xảy ra tình trạng "khoảng trống" pháp lý
- Việc chậm trễ ban hành các quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 tại địa phương đã gây ách tắc thủ tục hành chính đất đai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những chỉ đạo gì để khắc phục vấn đề này?
- Ngay sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhanh chóng tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bộ đã giao cho các Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xây dựng và trình UBND, HĐND các tỉnh, thành phố ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng "khoảng trống" pháp lý, cũng như giảm thiểu độ trễ trong quá trình triển khai.
Chúng tôi hiểu rằng, sự chậm trễ này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, mà còn cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, Bộ đã yêu cầu các Sở Tài nguyên và Môi trường tích cực tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai 2024 đến mọi cấp chính quyền, đặc biệt là các địa phương. Trong quá trình triển khai, nếu có những vấn đề bất cập hay chưa phù hợp với thực tế, chúng tôi yêu cầu các địa phương phản ánh kịp thời để Bộ có thể điều chỉnh, bổ sung chính sách, đưa luật vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường làm gì để đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản pháp luật ở các địa phương và xử lý tình trạng chậm trễ, thưa ông?
- Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, nhằm đẩy nhanh quá trình thực thi Luật Đất đai 2024. Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 7 văn bản hướng dẫn chi tiết để các địa phương áp dụng. Đây là những văn bản quan trọng, bao gồm các quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật trong giai đoạn chuyển tiếp và các quy trình thủ tục hành chính liên quan.
Để giải quyết vấn đề chậm trễ tại một số địa phương, Bộ đã lên kế hoạch phối hợp với Chính phủ cử các đoàn kiểm tra vào tháng 11-2024 tới. Các đoàn kiểm tra sẽ đánh giá thực trạng triển khai các quy định tại địa phương và báo cáo trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ. Nếu phát hiện địa phương nào chậm trễ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý kịp thời. Điều quan trọng, phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa trung ương và địa phương, bảo đảm Luật Đất đai 2024 được thực hiện nghiêm túc, không để xảy ra tình trạng "khoảng trống" pháp lý. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ, là: Luật phải có hiệu lực ngay, không được kéo dài thời gian hay làm chậm quá trình thực thi, nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn ông!