Đô thị

Cây xanh tại Hà Nội - Nhìn lại sau bão số 3:Lựa chọn cây đô thị phù hợp

Khánh An 15/09/2024 - 06:17

Những ngày này, một trong những việc cấp bách được lãnh đạo thành phố Hà Nội chỉ đạo sát sao là tranh thủ thời gian sớm nhất, dùng mọi biện pháp hữu hiệu để trồng, dựng lại, “cứu” tối đa cây xanh bị gãy đổ, bật gốc...

Một vấn đề khác mang tính dài hạn cũng được đặt ra là quy hoạch, lựa chọn cây đô thị phù hợp hơn cho Thủ đô.

trong-lai.jpg
Trồng lại cây xanh bị đổ do bão số 3 trên đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy).

Khẩn trương “cứu” tối đa cây gãy, đổ

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, tính đến ngày 13-9, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 40.000 cây đổ và gãy cành. Con số này sẽ còn tăng lên vì các quận, huyện: Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Long Biên, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ chưa có báo cáo cuối cùng.

Trong số này, có hơn 13.600 cây xanh trên các tuyến phố chính bị gãy, đổ; còn lại là cây do các quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị, cơ quan, đơn vị. Qua rà soát, phân loại, Sở Xây dựng cho hay, có hơn 3.000 cây có thể được trồng lại. Trong đó có hơn 100 cây quý hiếm.

“Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chức năng chuẩn hóa số liệu thống kê thiệt hại về cây xanh, phân loại rõ những cây có thể trồng lại, cây phải mang đi ươm trồng… Từ nay đến ngày 30-9, Sở Xây dựng và các đơn vị quản lý, duy trì cây xanh sẽ thống nhất với UBND các quận, huyện, thị xã vị trí trồng lại và thay thế, bổ sung cây xanh trên vỉa hè để bảo đảm cảnh quan đô thị”, ông Nguyễn Thế Công nêu.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, giải pháp trồng, dựng lại cây xanh gãy, đổ là hợp lý, vì đây là một trong những tài sản của thành phố. Tuy nhiên, khả năng sống của những cây đã vỡ bầu là khó nói trước. Ngoài ra, việc đưa cây về vườn ươm giâm ủ sẽ tăng khả năng hồi phục của cây hơn là trồng lại ngay. Những yêu cầu đặt ra đối với chăm sóc cây xanh hiện nay đòi hỏi thành phố phải có quỹ vườn ươm. Vườn ươm sẽ bảo đảm việc chăm sóc cây xanh đủ kích thước, đáp ứng các yêu cầu sinh trưởng, hạn chế việc lấy từ các nơi khác về Hà Nội trồng.

Còn theo chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam), với các cây đổ còn nhỏ, mới trồng được khoảng 10-15 năm, việc sửa sang, cắt bớt cành, rễ nhỏ và đào hố sâu để trồng lại sẽ tránh lãng phí, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Với các cây cổ thụ bật gốc, phần nhiều gồm các loài đa, si, sanh và bồ đề, có thể trồng lại nguyên vẹn mà không bị ảnh hưởng. Chuyên gia này cũng lưu ý, trước khi lấp đất cần phun thuốc kích thích vào rễ, cành lá của cây, giúp cây ra lá, sinh trưởng tươi tốt sau 1-2 tháng trồng lại.

Phát triển các loài cây phù hợp với đô thị

Qua việc hàng chục nghìn cây xanh Hà Nội gãy, đổ, bật gốc sau bão số 3, trong đó loại trừ lý do bất khả kháng là thiên tai, còn một số nguyên nhân khách quan mà các đơn vị chăm sóc, duy trì và bảo vệ cây xanh cần rút ra bài học.

Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Anh Tuấn cho rằng, đã đến lúc thành phố phải chủ động lựa chọn, phát triển các loài cây phù hợp với đô thị, từng bước thay thế cho cây hư hỏng, cây già cỗi không còn phù hợp (rễ nổi, tán lớn và nặng).

“Vì sự an toàn, cần phải có những cách thức phù hợp. Việc thay thế cây không thể thực hiện đồng loạt mà cần nghiên cứu cụ thể xem thay cây nào, lộ trình ra sao? Trước khi thay, thành phố nên có kế hoạch, có kịch bản phát triển cây xanh đồng bộ cho toàn địa bàn, không nên “có gì trồng nấy”, dễ gây lộn xộn cảnh quan đường phố. Nhiều loài cây không phù hợp với không gian có thể tạo rủi ro sau này", ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Theo chuyên gia này, các tuyến phố nhỏ, vỉa hè bé, như phố Lý Nam Đế, lại được trồng cây lớn như xà cừ sẽ khiến cây chiếm hết vỉa hè, mọc lệch tán, gây nguy cơ mất an toàn. Chưa kể có cây đã già cỗi, bị sâu mục thân, gốc, thối rễ không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão nhưng khó phát hiện bằng mắt thường.

Các chuyên gia cũng lưu ý tiêu chí chọn loại cây trồng tại thành phố Hà Nội là loài có thân thẳng, thân cây không có gai và nhựa mủ độc, có độ phân cành từ 3m trở lên. Cây có hệ rễ khỏe, rễ cọc ăn sâu, rễ tỏa đều, chịu được mực nước ngầm cao và ngập úng tạm thời. Cây có thớ gỗ dai, khó gãy cành, chịu cắt tỉa; hoa quả không hấp dẫn côn trùng làm ô nhiễm môi trường. Tuổi thọ cây phải dài, 50 năm trở lên và có tốc độ tăng trưởng trung bình. Ngoài ra, cây có hình dáng đẹp, có tán đẹp hoặc hoa đẹp, lá có màu sắc thay đổi theo mùa. Đặc biệt, cây phải thích nghi với đặc điểm tự nhiên và môi trường đô thị Hà Nội, như đất đai bị nén chặt, không gian dinh dưỡng hẹp, bề mặt bê tông hóa, nghèo dinh dưỡng, mực nước ngầm cao, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn…

Lựa chọn cây đô thị phù hợp là bài toán cấp thiết đặt ra lúc này. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công thông tin, vừa qua, Sở đã tổ chức hội thảo khoa học tham vấn ý kiến các chuyên gia, đánh giá một số chủng loại cây xanh đô thị phù hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sở đã tiếp thu nhiều chỉ dẫn của các chuyên gia, nhà khoa học như cần khảo sát chi tiết, thống kê số lượng, vị trí, phân tích điều kiện sinh trưởng của từng chủng loại cây. Ngoài ra, cần xây dựng tiêu chí để phân loại, lập phương án thay thế một số chủng loại cây già cỗi.

duc-hai.jpg

Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) Lưu Đức Hải:

Quy hoạch cây xanh phải có tầm nhìn lâu dài

Quy hoạch cây xanh đô thị giúp thành phố Hà Nội có được mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh, phát huy tác dụng. Tuy nhiên, việc ban hành quy hoạch và thực hiện quy hoạch cây xanh phải có tầm nhìn lâu dài. Trong quy hoạch phải xác định rõ loài cây trồng được tuyển chọn thích hợp với từng tuyến đường, phố, khu dân cư. Thành phố cần giao đơn vị chủ trì, tổng hợp số lượng, đánh giá chất lượng cây xanh đô, từ đó tính đúng, đủ và đề ra các giải pháp quản lý phù hợp.

Về tổ chức quản lý cây xanh, những khoảng trống trên vỉa hè cần được sử dụng để gia tăng số lượng cây trên đường phố. Cần loại bỏ và thay thế những cây không đạt tiêu chuẩn, thay thế các cây già cỗi hay sâu bệnh có nguy cơ đổ vì gió bão. Việc thiết kế bố trí trồng cây trên các đường phố mới phải đúng với chủng loại cây đã được xác định. Ngoài ra, cần chăm sóc, bảo dưỡng cây đến giai đoạn sinh trưởng ổn định; tỉa tán cây theo định kỳ và đặc điểm từng loài để giảm bớt thiệt hại khi có gió bão.

duc-manh.jpg

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Đức Mạnh:

Tuân thủ công đoạn dựng lại cây nghiêng, đổ

Công ty đang huy động 100% nhân lực để giải tỏa, xử lý cây gãy, đổ sau bão số 3. Bên cạnh đó, quân đội, công an, thanh niên tình nguyện, các đơn vị cây xanh trong cả nước và người dân cùng góp sức, chung tay khẩn trương thu dọn hiện trường.

Trong quá trình thu dọn, chúng tôi sẽ cố gắng bảo vệ, gìn giữ tối đa cây để trồng lại. Cũng có nhiều cây bảo đảm các tiêu chuẩn và an toàn để có thể trồng lại mà không nhất thiết phải chặt hạ, thay cây mới. Với cây bị nghiêng, đổ có khả năng trồng, dựng lại, công nhân sẽ xử lý theo đúng công đoạn, quy trình kỹ thuật, như cắt sửa lại chiều cao khoảng 6 - 8m tùy loại cây và địa điểm cụ thể. Sau đó, các phần cắt được bôi chất liền sẹo để bảo đảm thân cây phát triển ổn định. Sau khi dựng lại cây, công nhân sẽ dùng chất kích thích rễ phát triển. Cuối cùng là chống dựng lại cây thật chắc chắn để bảo đảm không gãy, đổ khi có mưa bão.

lan-huong.jpg

Chị Nguyễn Lan Hương (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân):

Cần nghiên cứu chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng cho cây cổ thụ

Việc thành phố Hà Nội cứu cây xanh, trồng dựng lại cây có cơ hội sống được người dân đồng tình. Cây gãy, đổ hàng loạt sau bão số 3 khiến chúng tôi thấy đau xót. Chúng tôi mong thành phố có giải pháp để cây trồng lại có khả năng sống cao, tươi tốt trở lại.

Với những cây trồng mới, người dân cũng mong cơ quan chức năng giám sát, bảo đảm đúng quy trình, hố trồng cây cần được đào sâu hơn để cây có không gian sinh trưởng, rễ cây phát triển, bám sâu vào lòng đất, giúp cây vững vàng trong gió bão. Với các cây cổ thụ, cây quý hiếm, đơn vị chăm sóc cây xanh cần có biện pháp bổ sung dinh dưỡng. Được biết, cây cổ thụ do nhiều năm không được chăm sóc nên sinh trưởng kém. Đặc điểm đô thị là không gian chật hẹp, nhiều bê tông nên bộ rễ cây phát triển kém do đất bị nén chặt. Vì vậy, việc bổ sung dinh dưỡng cho cây, theo tôi, rất quan trọng. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chung tay bảo vệ, chăm sóc cây xanh, đơn giản như trả không gian xung quanh gốc cây, không chặt phá rễ, xâm hại thân cây...

Triệu Hoa ghi