Bạn đọc

Chuyện nơi “rốn lũ” Hương Sơn

Thiện Mỹ 14/09/2024 - 20:42

Mặt trời đứng bóng tôi mới về được đến “rốn lũ” thôn Phú Yên, xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) vì nhiều đoạn đường chính vào xã vẫn đi ngập. Cả một vùng mênh mông nước, với một người dẫn đường, con đò chòng chành đưa tôi vào tâm điểm vùng ngập xóm 17, 18...

4(2).jpg
Hiu quạnh những ngôi nhà nơi "rốn lũ" Hương Sơn. Ảnh: Minh Thúy

Sống cùng lũ...

Con đường ven đê Phú Yên (thôn Phú Yên, xã Hương Sơn) ngoằn ngoèo ngăn giữa vùng trong đê và ngoài đê dường như bị nuốt chửng bởi mặt nước dâng lên mấp mé. Suối Tuyết Sơn ngày thường bé nhỏ, mong manh uốn lượn dưới chân núi, nay choán hết cả không gian. Người phụ nữ chèo đò rẽ từng ngọn cây đưa tôi vào xóm.

Thuộc làu từng con nước chảy, bà Nguyễn Thị Khuyên - người chèo đò vừa tránh những ngọn cây chọc lên từ mặt nước, vừa khéo léo chui qua những dòng dây điện chùng võng, la đà trước mặt. Những cây rơm cũng chỉ còn trơ mỏm; những cây gạo sừng sững giờ bị nước “ngoạm” đến lưng thân...

1(4).jpg
Đường ven đê. Ảnh: Minh Thúy

Nhà ở xóm 17, 18 thôn Phú Yên chỉ còn nhấp nhô phần mái, trong khi những căn bếp, chuồng trại chăn nuôi đã ngập bỏm không nhìn thấy nóc. Này là nhà ông Vũ Văn Thông, này là nhà ông Nguyễn Văn Cảnh, ông Nguyễn Văn Muôn... Vừa chèo đò, vừa đọc vanh vách họ tên từng nhà, bà Nguyễn Thị Khuyên giọng vẫn như thảng thốt: Biết là có siêu bão, nhưng không ngờ nước dâng nhanh đến thế, không nhà nào kịp trở tay. Một số nhà ở rệ núi chỉ kịp chạy đồ lên núi, không bị ngập nhưng đồ đoàn cũng ướt hết...

3(2).jpg
Một ngôi nhà bị ngập, chủ nhà phải chuyển toàn bộ sinh hoạt lên tầng 2. Ảnh: Minh Thúy

Trong ngôi nhà có vẻ khang trang, chắc chắn ở xóm 18 của ông Hồ Văn Đông, nước đã ngập tầng 1, may mắn có tầng 2 khô ráo để nằm. Bộ bàn ghế được ông khuân kịp lên đò, đang nổi theo con nước. Còn một con đò, vợ chồng ông làm phương tiện đi lại, nhưng đi lại cũng không dễ bởi bèo tây kéo cả mảng lớn ở đâu trôi về.

“Ngay đêm bão về, nước đã dâng cao, vợ chồng tôi không kịp chạy tài sản, chỉ khóa cửa bếp lại để đồ đạc khỏi trôi. May còn lôi kịp được bình ga, còn giường chiếu vẫn ngâm dưới nước. Đồ ăn tích trữ chờ bão qua cũng hỏng hết vì mất điện đã mấy ngày. Đây là lần ngập thứ 2 trong năm và là lần ngập cao nhất từ trước đến nay” - ông Đông thủng thẳng nói.

7(2).jpg
Ông Hồ Văn Đông với cơ ngơi ngập nước... Ảnh: Minh Thúy

Đò trôi sâu vào xóm. Trên tầng 2 lụp xụp, vợ ông Hồ Văn Phi đang kéo nước lên để dùng. Nói như giải thích, bà bảo, nước mưa phải dùng tiết kiệm, chỉ để ăn; gia đình múc nước lên để phục vụ sinh hoạt thường ngày... Cách đó không xa, ngay dưới rặng nhãn già, một nhóm người đang ăn cơm trưa trên đò. Tiếng nói cười váng cả mặt nước...

6(2).jpg
Dưới rặng nhãn già, tiếng nói cười vẫn váng cả mặt nước. Ảnh: Minh Thúy

Trên sàn gỗ khá chắc chắn, vợ chồng ông bà Hồ Văn Định cũng vừa dùng xong bữa trưa. Ông Định kể, ở đây đã 60 năm, nhưng chưa năm nào nước cao đến thế. Khu vực này năm nào cũng ngập và người dân mặc định sống chung với lũ. Nhưng lũ năm nay nó khác nhiều lắm, lên quá nhanh, không kịp trở tay. "Mọi lần ngập, chúng tôi chỉ bắc giáo trong nhà, kê lên 2 tấm phản là yên tâm “ăn ngon, ngủ kỹ”, nhưng lần này, nước cao đến gần nóc nhà, không còn chỗ bắc giáo nữa...", ông Định nói.

9(1).jpg
Nhờ có sàn gỗ này, vợ chồng ông bà Định mới có chỗ trú thân... Ảnh: Minh Thúy

Giải thích thêm, ông Định chép miệng: “Ngập là chuyện xảy ra hằng năm nên nhà nào cũng để sẵn các lỗ giáo, nước ngập đến đâu thì bắc giáo cao đến đó, kê phản lên là tránh được nước... Hai năm nay, gia đình tôi làm thêm sàn gỗ, khung sắt này để chạy lũ mỗi khi ngập. Năm nay không có sàn gỗ này thì chả có chỗ mà trú thân! Đấy, có kịp chạy cái gì đâu, bàn ghế, tủ lạnh... đều vẫn đang ngâm dưới nước. Đàn gà hơn 100 con cũng trôi sạch. Không bao giờ nghĩ nước lại lên nhanh và cao thế!”.

May mắn vì có không gian tầng 2 để tránh nước dữ, bà Hà Thị Tính kịp chạy đàn gà và 5 con lợn lên tầng 2. Trong không gian duy nhất nước chưa kịp lên, bà Tính lầm lũi một mình với chép chép tiếng gà, ủn ỉn của 5 con lợn. Sau nhà bà Tính, bà Nguyễn Thị Thấn cũng trong cảnh một mình, bà đang loay hoay dọn lại gác xép rộng chừng hơn 1m2 để lấy chỗ nằm. “Mấy hôm vừa rồi mưa, không dọn được, cứ ngồi thu lu trên này. Hôm nay tranh thủ trời nắng, chuyển ít đồ sang gửi nhà hàng xóm để lấy chỗ ngả lưng” - bà Thấn chỉ vào chỗ còn khô ráo duy nhất trong nhà nói.

10(2).jpg
Bà Hà Thị Tính kịp chạy đàn lợn lên tầng 2. Ảnh: Minh Thúy
11(1).jpg
Tranh thủ trời nắng, bà Nguyễn Thị Thấn mang đồ sang gửi hàng xóm... Ảnh: Minh Thúy

Như muốn chứng minh thêm dòng nước năm nay “nó khác”, bà Khuyên đưa đò đến nhà bà Hồ Hà, với lời giải thích: “Đây là nhà có cốt nền cao nhất xóm đấy, vậy mà cũng chỉ còn nóc thôi”! Trên 2 chiếc đò cùng với nồi xoong, bếp ga, rau cỏ, áo quần..., mấy anh em nhà bà Hồ Hà đang quây quần. “May kịp vơ được ít quần áo, còn toàn bộ lúa dự trữ, tủ, giường chiếu đều vẫn dưới kia” - bà Hà tiếc nuối...

Mong vơi những âu lo...

Ông Vũ Hải Lưu, Trưởng thôn Phú Yên lẩm nhẩm tính: Xóm 17 có 21 hộ, xóm 18 có 35 hộ bị ngập với tổng số hơn 200 nhân khẩu. Hầu hết người già, trẻ nhỏ đã di tản, sơ tán về làng ở nhà người thân, ngoài này chỉ còn người trẻ, khỏe, nhanh nhẹn ở lại. Hôm nước lên nhanh, bà con đã phải dùng bao cát giữ đê... Từ hôm qua đến giờ nước đứng rồi, không dâng nữa.

1.1.jpg
Phú Yên mênh mông nước... Ảnh: Minh Thúy

Chưa bao giờ người dân Phú Yên chứng kiến nước dâng cao nhanh đến thế. Dẫu mỗi năm đều có vài ba đợt sống chung với lũ, nhưng lũ của cơn bão số 3 lớn hơn nhiều... Hôm 13-9, mỗi gia đình trong xóm đều được nhận quà của xã, các đoàn thể cùng các nhà hảo tâm.

“Theo phạm vi khoanh vùng, người dân thôn Phú Yên đang ở trong rừng đặc dụng Hương Sơn và khu vực Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn (chùa Hương). Người dân vẫn mong muốn được các cấp quan tâm, di dời đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống lâu dài” - ông Vũ Hải Lưu đề xuất.

Được biết, thôn Phú Yên là rốn lũ của Hương Sơn, còn trên địa bàn xã, một số điểm ngập khác cũng nhiều nguy cơ mất an toàn. Tại Đền Trình, thôn Yến Vỹ, dù nước đã đứng, song với độ chênh của mực nước rất cao, áp lực nước lớn, hai bên bờ suối từ cầu Yến vào Đền Trình, cán bộ và nhân dân đã chủ động dùng các tấm chắn thép, ván, bao cát đắp cơi cao từ 1,2m đến 1,5m; các lực lượng ứng trực 24/24h, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đồng thời huy động hàng nghìn người dân tình nguyện tham gia chống lũ lụt. Hiện tại, lực lượng cơ động xã cùng cán bộ, nhân dân thôn Yến Vỹ vẫn đang tiếp tục đóng bao tải cát, đắp bổ sung các đoạn xung yếu, các đoạn nguy cơ nghiêng, đổ vỡ, tràn...

12(3).jpg
Các lực lượng nhân dân xã Hương Sơn tham gia chống lũ. Ảnh: Đức Long

“Cả đêm qua, 13-9, các lực lượng và nhân dân vẫn tiếp tục ứng trực tại những đoạn đê xung yếu và sẵn sàng các giải pháp để bảo đảm an toàn. Từ đêm qua đến nay, nước đã rút được khoảng 13cm, nhưng địa phương vẫn chưa thể chủ quan” - cán bộ văn hóa xã Hương Sơn Nguyễn Đức Long thông tin.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo phòng, chống lũ lụt của xã Hương Sơn, đến nay xã đã bảo đảm chống tràn 13km đê bao, 3km đường 419 giáp sông Đáy... Cả hệ thống chính trị, nhân dân tích cực ủng hộ công tác phòng, chống thiên tai với trên 3.000 người tham gia. Bên cạnh việc chủ động ứng trực, xử lý lũ lụt tại địa phương, Hương Sơn còn chi viện nhân dân các tỉnh phía Bắc như: Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang và các địa phương trong thành phố Hà Nội bị thiên tai 4 xe cẩu, 850 chiếc xuồng, đò với 350 lái đò vận hành và nhiều chuyến xe vận chuyển nhu yếu phẩm...

17.jpg
Công tác hỗ trợ đời sống cho các hộ dân bị ngập lụt đang được xã Hương Sơn triển khai khẩn trương. Ảnh: Hương Sơn

Tạm thời gác lại nỗi lo nước tràn đê, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Bùi Văn Triều như trút được gánh nặng, cho biết, khi nhận được thông tin về cơn bão số 3, địa phương đã xây dựng các kịch bản, kế hoạch để bảo đảm an toàn cho người dân và các công trình, hạng mục quan trọng trên địa bàn xã. Riêng thôn Phú Yên, người dân đã nhiều đời sống chung với lũ nên có cách ứng phó rất chủ động và linh hoạt. Tuy nhiên, do bão và hoàn lưu bão khốc liệt nên bà con vẫn bị thiệt hại nặng. Điều may mắn là đến nay tất cả đều an toàn!

Về lâu dài, xã cũng đề nghị các cấp xem xét, có phương án di dời các hộ dân đang sống trong khu vực rừng đặc dụng Hương Sơn và Khu Quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn (chùa Hương), trong đó có các hộ dân thôn Phú Yên đến nơi ở mới để các hộ dân thuận tiện hơn trong cuộc sống.

18.jpg
Các suất quà đang được vận chuyển xuống đò để mang đến từng hộ gia đình. Ảnh: Hương Sơn

"Mấy hôm trước cả địa phương dồn sức cho việc chống lũ, giờ là lúc chúng tôi lại tiếp tục khẩn trương chăm lo đời sống cho nhân dân. Tính đến thời điểm này, xã đã nhận được rất nhiều nhu yếu phẩm của các cấp chính quyền, nhà hảo tâm trao tặng. Để các hộ vơi bớt khó khăn, xã đang rất tích cực chuyển quà đến các hộ gia đình, thăm hỏi, động viên các hộ đoàn kết, "tương thân, tương ái", đùm bọc, sẻ chia để cùng nhau vượt qua thời khắc này" - ông Bùi Văn Triều nói.

Nắng đã lên trên vùng rốn lũ, đất và người Hương Sơn dần vơi những nỗi âu lo. Nhưng về lâu dài, người dân thôn Phú Yên cần một con đường sinh kế bền vững, để không còn những khoảng trống thảng thốt mỗi khi lũ dữ về...