Hà Nội tập trung “cứu” khoảng 3 nghìn cây xanh bị gãy, đổ do bão số 3
Sáng 13-9, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đến công tác chiếu sáng đô thị, cây xanh.
Trên 40 nghìn cây đổ và cành gãy
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Công cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 13-9, trên địa bàn thành phố có trên 40 nghìn cây đổ và cành gãy (các quận, huyện gồm: Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thường Tín, Long Biên, Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ chưa có báo cáo).
Trong đó, cây xanh đô thị (cây trồng trên hè, phố, đảo giao thông, dải phân cách, nơi công cộng khác... do thành phố quản lý theo phân cấp) có 13.615 cây bị gãy, đổ (10.589 cây đổ, bật gốc; 3.069 cây bị gãy cành, cây gãy ngọn). Quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị, cơ quan, đơn vị là hơn 26.300 cây.
Đến 18h00 ngày 12-9, các đơn vị xử lý chưa thu dọn được 6.729 cây... Qua rà soát, phân loại, có 3.082 cây trồng lại (250 cây đã dựng lại, 2.600 cây đã cắt tán chờ dựng lại và 232 cây chưa cắt ngọn để trồng lại)...
Hiện nay, công tác giải tỏa để đảm bảo an toàn giao thông cơ bản đã hoàn thành, đồng thời đã rà soát, phân loại các cây xanh yếu chuyển về vườn ươm chăm sóc, chuẩn bị nơi tập kết củi gỗ.
Theo thống kê, tổng số 1.231 sự cố lớn nhỏ về chiếu sáng đô thị, đã xử lý xong 1.180/1.231 sự cố (số liệu tiếp tục được cập nhật) gây ảnh hưởng đến hệ thống chiếu sáng công cộng. Các sự cố về hệ thống chiếu sáng đang được khẩn trương khắc phục đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng đô thị trên 98%. Hệ thống chiếu sáng sử dụng nguồn điện độc lập với hệ thống điện của đèn tín hiệu giao thông nên không làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo giao thông.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, mặc dù đã huy động 100% lực lượng, thiết bị của các đơn vị, quản lý, duy trì, song do ảnh hưởng của bão số 3, khối lượng cây đổ, cành gãy rất lớn.
Các phương tiện huy động cho công tác giải tỏa còn thiếu, đặc biệt là các phương tiện chuyên dùng (cẩu lớn, xe tự hành), chủ yếu là phương tiện cầm tay, việc huy động các trang thiết bị từ đơn vị bên ngoài trong thời gian gấp nên chưa được kịp thời. Khối lượng cây gãy, đổ rất lớn nên việc vận chuyển, thu hồi gỗ, củi về địa điểm tập kết cần nhiều diện tích.
Phải “cứu” tối đa các cây
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, cơn bão số 3 cùng với hoàn lưu sau bão gây thiệt hại nặng nề cho thành phố cũng như các tỉnh miền Bắc. Đối với thành phố Hà Nội, mặc dù đã có dự báo và chuẩn bị mọi phương án ứng phó nhưng thiệt hại về tài sản, đặc biệt là hệ thống cây xanh là rất lớn bởi đây là cơn bão lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây đổ bộ vào thành phố.
Trên cơ sở báo cáo của Sở Xây dựng, đồng chí Dương Đức Tuấn cho biết, tổng thiệt hại về cây xanh trên địa bàn thành phố đến nay là hơn 40 nghìn cây, trong đó có cả cây đô thị và các loại cây quý hiếm; khoảng 11.600 cây gãy, đổ. “Số liệu này có thể thay đổi trong thời gian tới, bởi hiện vẫn còn 8 quận, huyện chưa có báo cáo cuối cùng gửi về Sở Xây dựng”, đồng chí Dương Đức Tuấn nói.
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Xây dựng cũng như các đơn vị liên quan tập trung cao độ xử lý, khắc phục hệ thống cây xanh bị gãy đổ, đặc biệt tại các công viên, khu đô thị. Trong đó, cần huy động sự vào cuộc của các đơn vị để hoàn thành việc khắc phục hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, hệ thống chiếu sáng đô thị, chỉnh trang đô thị để sẵn sàng cho lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Đối với công tác khắc phục hậu quả hệ thống chiếu sáng đô thị do bão số 3, đồng chí Dương Đức Tuấn đề nghị các đơn vị liên quan tập trung khắc phục nhanh, bảo đảm an toàn.
Đối với Sở Xây dựng, đồng chí Dương Đức Tuấn đề nghị cần chuẩn hóa số liệu thống kê thiệt hại về cây xanh, trong đó phân loại cây nào là cổ thụ, cây nào có thể trồng lại, cây nào phải mang đi ươm trồng… cho hiệu quả. Đồng thời, Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hỗ trợ xử lý cây xanh gãy, đổ trên địa bàn thành phố; thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố là “cứu” tối đa các cây, với dự kiến có khoảng 3 nghìn cây có thể “cứu” (trong đó có 100 cây quý hiếm).
Đồng chí Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Xây dựng cũng như các đơn vị liên quan sau khi cắt gọn cây xanh bị gãy, đổ, cần tiếp tục dọn dẹp, bảo đảm trước ngày 20-9 sẽ thu dọn hết cây xanh gãy, đổ để chuyển sang giai đoạn “cứu” các cây. Đồng thời, tập trung khôi phục hạ tầng, cải tạo vỉa hè sau khi trồng lại cây xanh gãy, đổ.
Đối với công tác khắc phục ngập lụt do nước sông Hồng, đồng chí Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với Sở Giao thông vận tải cũng như các đơn vị liên quan tập trung khắc phục hậu quả tại các tuyến đường, quốc lộ, tỉnh lộ vẫn còn ngập nước, hoặc bị hư hỏng sau bão.
Đồng chí Dương Đức Tuấn cũng nhất trí với các kiến nghị của Sở Xây dựng, trong đó đề nghị UBND các quận, huyện chủ động bố trí địa điểm để thu hồi, tập kết gỗ, củi trên địa bàn của đơn vị mình. Đồng thời, chịu trách nhiệm giám sát quá trình thu hồi gỗ, củi đủ điều kiện về kho bảo quản và tổ chức thanh lý gỗ, củi theo quy định hiện hành đối với khối lượng quản lý theo phân cấp.