Nông thôn mới

Hà Nội: Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao

Nguyễn Mai 13/09/2024 - 07:33

Đến thời điểm này, Hà Nội đã có 188/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Từ nay đến cuối năm 2024, các địa phương tiếp tục đầu tư hoàn thiện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch.

Kết quả đạt được không chỉ hoàn thành chỉ tiêu thành phố đặt ra, mà còn đóng góp quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân.

dien-mao-nong-thon-moi-khan.jpg
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Duyên Thái (huyện Thường Tín). Ảnh: Nguyễn Quang

Thêm nhiều xã “về đích”

Hà Nội vừa ban hành quyết định công nhận thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, là Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) và Phú Đông (huyện Ba Vì). Năm 2020, Phú Đông đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, sau đó, Phú Đông đã huy động hơn 124 tỷ đồng đầu tư nâng cao các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, Phú Đông đã có hệ thống hạ tầng khang trang, đặc biệt là điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa được xây dựng đạt chuẩn...

Trước đó, cuối tháng 5-2024, thành phố cũng quyết định công nhận 14 xã của huyện Thường Tín và huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Trong đó, riêng huyện Thường Tín có 11 xã. Chủ tịch UBND xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) Hoàng Văn Thắng cho biết, trong giai đoạn 2019-2023, địa phương đã huy động được khoảng 181 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trong đó, nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp và người dân chiếm gần 14%, số còn lại là nguồn vốn ngân sách nhà nước. Với nguồn lực đầu tư to lớn đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của xã Hòa Bình được nâng cấp ngày một đồng bộ, diện mạo nông thôn đổi thay tích cực.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tính lũy kế đến nay, thành phố đã có 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 49,2% tổng số xã toàn thành phố, vượt mục tiêu Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đề ra là: Đến năm 2025 có ít nhất 40% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đoàn kết, trách nhiệm trong thực hiện

Mặc dù đến thời điểm này Hà Nội đã vượt chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới nâng cao đối với cấp xã, song các địa phương trên địa bàn thành phố vẫn quyết tâm rất lớn, tiếp tục vượt chỉ tiêu đặt ra.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, đến hết năm 2023, toàn huyện có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Kết quả này đã vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là 3 xã. Năm 2024, thành phố giao chỉ tiêu huyện tập trung chỉ đạo 2 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tuy vậy, Chương Mỹ vẫn xây dựng kế hoạch và chỉ đạo 5 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra.

Để triển khai, ngay từ những tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/HU của Huyện ủy Chương Mỹ về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đã ban hành các kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/HU huyện khi có thay đổi trong công tác cán bộ. Cùng với đó, các ngành chuyên môn của huyện đã tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao đối với 5 xã.

Tại huyện Ứng Hòa, đến hết năm 2023, huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, huyện đang tập trung để có thêm 7 xã đạt chuẩn. Về giải pháp, huyện Ứng Hòa tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xây dựng hạ tầng đạt chuẩn tại các xã nông thôn mới nâng cao; đồng thời tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, nhân dân hỗ trợ, đóng góp bằng tiền, vật tư, công lao động, đất đai phù hợp với điều kiện thực tế để đầu tư phát triển sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng, các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, xử lý môi trường ở cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định đề xuất UBND thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, như: Giao thông, thủy lợi nội đồng, trường học đạt chuẩn quốc gia... trên địa bàn huyện, nhất là đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, năm 2024 thành phố phấn đấu có ít nhất 40 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, bảo đảm đa dạng, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân tham gia cùng thực hiện.