Y tế

Phòng tránh tai nạn thương tích trong mưa bão

Thu Trang 13/09/2024 - 06:46

Sau cơn bão số 3 (Yagi), những ngày qua, các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô đã tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu do cây đổ, tường đổ, kính văng vào người, sạt lở đất, rắn cắn…

Dự báo, diễn biến thời tiết những ngày tới còn nhiều bất lợi, do đó, người dân cần tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn, nhằm hạn chế tối đa tai nạn thương tích có thể xảy ra trong mưa bão.

bac-si-benh-vien-huu-nghi-v.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức điều trị cho bệnh nhân bị đa chấn thương do sạt lở đất sau bão số 3.

Gia tăng ca bệnh sau bão

Thống kê sơ bộ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, trong 4 ngày qua đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ, trong đó có hơn 50% là các ca nặng như: Chấn thương sọ não, chấn thương cột sống cổ, chấn thương ngực, bụng và tứ chi.

Ngày đầu tiên sau cơn bão số 3, số ca cấp cứu chủ yếu là người dân ở khu vực nội thành Hà Nội bị tai nạn trong khi sửa nhà bị tốc mái, chặt dọn cây đổ… thì đến những ngày sau đó, các ca chấn thương chủ yếu được chuyển đến từ những tỉnh đang chịu ảnh hưởng của bão lũ.

Điển hình như bệnh nhân Đ.V.T (ở tỉnh Sơn La) khi đang di chuyển trên đường bằng xe máy qua đoạn đường sạt lở, đã không may bị ngã. Hậu quả là đất, đá đè vào người khiến anh nằm bất động. Do trời mưa nên mấy tiếng sau mới có người qua lại, phát hiện và đưa anh T đi cấp cứu. Sau khi được sơ cứu tại trung tâm y tế huyện, nam bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức để phẫu thuật do bị gẫy xương gần khớp gối.

Để giảm áp lực cho bệnh viện khi lượng bệnh nhân đến cấp cứu do thiên tai gia tăng, bác sĩ Bùi Thanh Phúc, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, tua trực cấp cứu sẽ phân loại người bệnh. Bệnh viện cũng tổ chức hệ thống hội chẩn cấp cứu trực tuyến Telemedicine và đường dây nóng do các bác sĩ trưởng tua trực điều phối. Đối với trường hợp nhẹ có thể tư vấn điều trị tại chỗ. Trường hợp nặng sẽ hướng dẫn tuyến dưới cách vận chuyển bảo đảm an toàn, đồng thời bệnh viện bố trí trước phương tiện hồi sức và hệ thống phòng mổ để điều trị kịp thời khi tiếp nhận người bệnh.

Trong các tai nạn thương tích, điện giật là tai nạn thường gặp trong mùa mưa bão. Đơn cử như trường hợp anh L.V.H (nhân viên điện lực tỉnh Vĩnh Phúc, thuộc đoàn hỗ trợ của Tổng công ty Điện lực miền Bắc) trong quá trình thi công sửa chữa trên lưới điện tại khu vực phường Hà Lầm, thành phố Hạ Long không may bị điện giật. Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh với chẩn đoán ngừng hô hấp, bỏng độ 4, anh H. được chuyển đến Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác để tiếp tục điều trị.

Thời điểm mưa, bão kết hợp với thời tiết ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để các loài rắn, côn trùng… ra khỏi nơi trú ẩn. Chỉ trong 2 ngày sau cơn bão số 3, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 9 bệnh nhân bị rắn độc và các loài vật gây độc khác cắn.

“Thường các loài rắn độc và côn trùng có độc ưa hoạt động trong bóng tối, ban đêm. Trong điều kiện bóng tối, chúng sẽ hoạt động mạnh, hung dữ hơn. Khi mưa bão, ánh sáng bị hạn chế, nhiều nơi buộc phải cắt điện để bảo đảm an toàn cũng là yếu tố làm gia tăng nguy cơ người dân bị rắn, côn trùng độc cắn”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc phân tích.

Chủ động kỹ năng phòng tránh

Trong mùa mưa lũ, người dân luôn phải đối mặt với nhiều tai nạn rủi ro. Nếu chủ quan không biết cách phòng tránh thì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, người dân cần chủ động theo dõi các dự báo thời tiết, diễn biến tình hình thiên tai, mưa bão trên địa bàn. Đồng thời, tự trang bị, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống tai nạn thương tích mùa mưa bão.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người dân nên hạn chế ra đường, nhanh chóng tìm chỗ trú ẩn an toàn khi mưa dông kéo đến. Mặt khác, chủ động kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà; lắp đặt cầu chì, cầu dao, ổ điện ở những nơi khô ráo. Khi phát hiện các thiết bị điện bị đứt, đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần và nhanh chóng cảnh báo cho mọi người xung quanh, đồng thời báo cho đơn vị điện lực quản lý cắt điện…

Trong trường hợp phải ra ngoài, người dân tuyệt đối không đứng dưới cột điện hoặc những gốc cây to; không đi qua các khu vực ngập nước, chảy xiết. Đồng thời, khi lưu thông trên đường, người dân cần chú ý quan sát, đi chậm. Nên tránh xa và cảnh báo cho mọi người xung quanh biết những khu vực nguy hiểm. Cơ quan chức năng của địa phương cần lập rào chắn khi phát hiện cột điện ngã đổ, cây đổ gây nguy hiểm, dây điện đứt rơi xuống đường, khu vực bị ngập nước… Cùng với đó, mỗi người cần tự trang bị những kiến thức và kỹ năng xử lý, sơ cấp cứu đối với các tai nạn thương tích thường gặp.

Bên cạnh đó, để phòng tránh nhiễm độc do rắn và các động vật có độc trong mùa mưa bão, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, người dân luôn chú ý quan sát khi tiếp xúc các vị trí khuất, đống rác, bụi rậm, khe hốc, hang... Chú ý dùng gậy, dùng đèn chiếu sáng để đi lại và làm việc. Khi lao động, đi lại vào ban đêm nên mang ủng, đeo găng tay, hoặc nếu đi rừng thì phải đội mũ. Ngoài ra, người dân ở vùng nông thôn, rừng núi cũng nên đóng cửa kín ở tầng 1, đặc biệt ở vị trí gần mặt đất để tránh rắn chui qua khe vào nhà.