Chính trị

Dự kiến kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra từ 21-10 đến 30-11

Mai Hữu 12/09/2024 - 17:39

Chiều 12-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết kỳ họp bất thường thứ tám và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.

202409121623536323_dsc_5432.jpg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày báo cáo. Ảnh: media.quochoi.vn

Theo dự kiến chương trình, kỳ họp thứ tám sẽ khai mạc vào ngày 21-10, bế mạc vào ngày 3-12, được chia làm 2 đợt họp. Đợt 1 từ ngày 21-10 đến ngày 12-11-2024, đợt 2 từ ngày 20-11 đến sáng ngày 3-12-2024.

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm, nỗ lực cao nhất để chuẩn bị cho kỳ họp; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu với chất lượng tốt, bảo đảm tiến độ gửi các đại biểu Quốc hội. Đặc biệt, Chính phủ cần chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp.

202409121633513068_dsc_5985.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến về chương trình kỳ họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp thứ tám, cho biết thời gian đến khai mạc kỳ họp thứ tám không còn nhiều, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần tính toán từ sớm, từ xa các nội dung chương trình kỳ họp. Trong đó, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ điều chỉnh chương trình kỳ họp hợp lý, làm việc thêm 2 ngày thứ bảy để kết thúc kỳ họp muộn nhất vào ngày 30-11.

“Tuy nhiên, hiện nay nhiều nội dung Chính phủ chưa trình như một luật sửa nhiều luật, sẽ rất khó cho việc thẩm định của các cơ quan Quốc hội”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị dành 1 ngày thảo luận hội trường, tăng thời gian thảo luận tổ từ 1 buổi lên 2 buổi cho nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội. Đối với các dự thảo Luật được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tám cần được bố trí thảo luận sớm để tạo thuận lợi cho các cơ quan tiếp thu, giải trình.