Thế giới

Nhiều quốc gia chỉ trích Đức thiết lập biện pháp kiểm soát biên giới

Quỳnh Dương 12/09/2024 - 16:57

Ngày 12-9, Thủ tướng Hy Lạp cho biết, không thể giải quyết được tình trạng gia tăng dòng người di cư bằng cách đơn phương xóa bỏ khu vực tự do đi lại (Schengen).

1(7).jpg
Cảnh sát Liên bang Đức kiểm tra một nhóm nhập cư từ Ba Lan. Ảnh: DW

Phát ngôn của Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đưa ra sau khi Đức công bố kế hoạch áp dụng các biện pháp kiểm tra chặt chẽ hơn tại biên giới trên bộ. Berlin coi đây là một trong trong những nỗ lực giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp.

Quá trình kiểm tra sẽ bắt đầu từ ngày 16-9 và kéo dài 6 tháng đối với những người đến Đức bằng xe buýt, tàu hỏa hoặc ô tô từ các nước láng giềng trong khu vực Schengen là Bỉ, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan và Luxembourg.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết: “Điều quan trọng là chúng tôi đã khởi xướng một số biện pháp để chống lại tình trạng nhập cư bất hợp pháp với tư cách là một thành viên Liên minh châu Âu (EU)”. Theo bà Nancy Faeser, các quy tắc biên giới chặt chẽ hơn sẽ giúp giải quyết vấn đề khủng bố Hồi giáo và tội phạm xuyên biên giới.

Phản ứng trước động thái này, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết, hành động của Đức là không thể chấp nhận được, đồng thời nói thêm rằng quyết định này đồng nghĩa với việc đình chỉ khu vực Schengen trên diện rộng.

Bộ trưởng Nội vụ Áo Gernard Karner cho biết, quyết định của Đức là bất hợp pháp và Áo sẽ không chấp nhận những người di cư bị Đức từ chối.

Bà Mireia Faro Sarrats, cán bộ truyền thông của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu đồng ý rằng, quyết định của Đức có thể tạo tiền lệ cho các quốc gia thành viên EU khác không ủng hộ di cư.

Được bao quanh bởi 9 quốc gia, Đức là trung tâm địa lý và kinh tế của EU. Du khách theo đường bộ đến Đức sẽ phải chịu sự giám sát cao hơn và có khả năng phải trải qua các cuộc kiểm tra tốn thời gian, có thể gây tắc nghẽn giao thông tại biên giới, làm chậm quá trình nhập cảnh và thậm chí ảnh hưởng đến kinh tế.

Các nhà phân tích cho rằng, trong khi tình trạng di cư bất hợp pháp tại Đức ngày càng gây căng thẳng cho các dịch vụ công, các kế hoạch kiểm soát biên giới có thể cũng mang động cơ chính trị và là một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự ủng hộ cho phe đối lập cực hữu, bảo thủ trước thềm các cuộc bầu cử sắp tới.