Nghị quyết và Cuộc sống

Còn 133 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết cần ban hành

Tiến Thành 12/09/2024 - 13:35

Sáng 12-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

ubtvqh11.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Báo cáo của Chính phủ cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết năm 2024 thể hiện tính kịp thời, tập trung, có nhiều đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp và nâng cao năng lực, hiệu quả thực hiện. Chính phủ đã hoàn thành khối lượng lớn nhiệm vụ lập pháp cơ bản bảo đảm tiến độ, không có tình trạng xin rút các dự án đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức hiệu quả, chất lượng. Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên được Chính phủ quan tâm, sát sao chỉ đạo để kịp thời phát hiện, xử lý các vướng mắc, bất cập, các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp trong thực tiễn thi hành pháp luật...

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, số lượng dự án luật, dự thảo nghị quyết phải trình ở từng kỳ họp Quốc hội rất lớn nhưng chưa bảo đảm sự cân đối giữa các lĩnh vực; nhiều dự án được bổ sung vào chương trình sát thời điểm tổ chức kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

ubtvqh9-2-.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: media.quochoi.vn

"Ngoài ra, vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể, thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật", ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Số lượng văn bản quy định chi tiết nợ mới phát sinh nhiều, văn bản nợ đọng kéo dài chưa được khắc phục triệt để; số lượng văn bản ban hành chậm, không bảo đảm hiệu lực thi hành đồng thời với luật còn nhiều.

Từ đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo, xác định thứ tự ưu tiên trong triển khai các nhiệm vụ lập pháp phù hợp với năng lực của các cơ quan soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về chất lượng văn bản; tiếp tục đổi mới tư duy, phương thức tiếp cận trong xây dựng pháp luật, bảo đảm luật quy định có tính bao quát, không điều chỉnh chi tiết các quan hệ xã hội đang trong quá trình vận động, có nhiều thay đổi; tăng cường ban hành các đạo luật quy định các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh để bảo đảm tính ổn định của luật; cương quyết đưa ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các dự án, dự thảo không bảo đảm tiến độ, chất lượng theo quy định.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, nhất là tình trạng pháp luật còn chồng chéo, xung đột, thiếu tính khả thi; tình trạng nợ đọng văn bản quy định kéo dài, nợ văn bản quy định chi tiết mới phát sinh trong kỳ báo cáo, ban hành văn bản quy định chi tiết chậm so với hiệu lực thi hành của luật; đồng thời, đôn đốc và có giải pháp cụ thể, kịp thời ban hành 133 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực thi hành trong thời gian tới.

ubtvqh10-2-.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, cần có sự đổi mới trong thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.

“Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp phải liên tịch, phối hợp chặt chẽ từ khâu xây dựng, triển khai, thực hiện Luật. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường kỷ cương, nền nếp, quyết liệt trong thẩm tra, thẩm định, thể hiện chính kiến với mục tiêu cuối cùng là Luật, Nghị quyết có tuổi thọ cao, khả thi trong thực hiện”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nói và cho rằng gốc rễ vấn đề xây dựng pháp luật đến từ các bộ, ngành.

Nhận định có tình trạng tiêu cực, cục bộ, “lợi ích nhóm” trong công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp - với vai trò “gác cửa” của Chính phủ trong công tác xây dựng Luật - cần tăng cường kiểm soát, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, không bị tác động bởi bất cứ “nhóm lợi ích” nào; bảo đảm chất lượng cao nhất các dự án Luật, Nghị quyết.