Để tỏa sáng truyền thống tốt đẹp
Với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, ngày 10-9, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra tại các tỉnh miền Bắc.
Ngay sau khi phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 407 tỷ đồng ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các ban, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Chắc chắn số tiền ủng hộ sẽ tăng lên từng ngày khi cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đang chung tay sẻ chia những mất mát với đồng bào vùng mưa lũ.
Trong bão lũ, tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau của người dân Việt Nam sáng bừng lên, tiếp thêm sức mạnh để người người vượt qua khó khăn. Theo dõi tình hình mưa bão mấy ngày qua mới thấy sự tàn phá, khốc liệt của thiên tai. Sẻ chia mất mát, GS.TS Lê Ngọc Thạch - giảng viên thỉnh giảng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) - cầm cuốn sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng đến Tòa soạn Báo Tuổi trẻ gửi “chút yêu thương” cho đồng bào miền Bắc đang chịu thiệt hại bởi bão lũ với suy nghĩ: “Có thể 1 tỷ đồng là nhiều với đóng góp của một cá nhân, nhưng cũng chỉ là hạt cát so với những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang gánh chịu”.
Không chỉ đồng bào trong nước, tinh thần “Lá lành đùm lá rách” còn lan tỏa ra cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Vừa chuyển 50 triệu đồng ủng hộ theo lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chị Nguyễn Thu Hà còn kêu gọi các kiều bào sinh sống tại Đức cũng như châu Âu chung tay ủng hộ đồng bào bị bão lụt.
Những ngày qua, ở khắp nơi, trong đó có thành phố Hà Nội, bà con nhân dân chung tay góp sức bằng những suất cơm miễn phí, quyên góp nhu yếu phẩm, thuốc men, thậm chí cả những chiếc xuồng… để gửi đến bà con vùng lũ cũng như các lực lượng làm nhiệm vụ tại các điểm xung yếu.
Đi ngược lại với tinh thần “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc, lợi dụng ảnh hưởng của bão lũ, trên không gian mạng xuất hiện tình trạng lừa đảo kêu gọi từ thiện để trục lợi và đưa thông tin sai lệch.
Để cuộc vận động được triển khai đúng tinh thần của Trung ương và thành phố, trước hết mỗi người dân cần tích cực lan tỏa các thông tin, hình ảnh đẹp trong công tác hỗ trợ, chia sẻ cùng nhau vượt qua khó khăn; ghi nhận nỗ lực của các lực lượng chức năng và cộng đồng dân cư khắc phục hậu quả do mưa lũ. Đồng thời, mỗi người hãy kiểm tra kỹ thông tin về các tài khoản kêu gọi quyên góp, ưu tiên các nguồn chính thức; chia sẻ thông tin cảnh báo với người thân, bạn bè để cùng nâng cao ý thức cảnh giác; báo cáo với các cơ quan chức năng khi phát hiện các trang fanpage hoặc tài khoản cá nhân có dấu hiệu lừa đảo.
Đối với các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn cần phối hợp hoặc thông báo cho chính quyền địa phương biết các khoản đã hỗ trợ để cơ quan có thẩm quyền cân đối mức hỗ trợ hợp lý. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng trục lợi khi kêu gọi ủng hộ như đã từng xảy ra thời gian qua với một số trường hợp được dư luận phản ánh. Trong trường hợp phát hiện thiếu minh bạch, trục lợi, cơ quan chức năng cần có những chế tài cụ thể, biện pháp quyết liệt để răn đe.
Một trong những nội dung quan trọng được dư luận quan tâm là việc kêu gọi ủng hộ có tổ chức, bảo đảm sự minh bạch, an toàn; đồng thời phân bổ nguồn lực cứu trợ công bằng, khách quan nhưng không cào bằng. Trong đó, ưu tiên những vùng, gia đình, cá nhân chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ gây ra. Có như vậy, truyền thống tốt đẹp “Lá lành đùm lá rách” của người dân Việt Nam mới thực sự có ý nghĩa, giúp người dân vùng bão lũ vơi đi khó khăn, mất mát.