Kinh tế

Hà Nội: Chính quyền vùng lụt được yêu cầu chuẩn bị hàng hoá hỗ trợ người dân

Thanh Hiền

Chiều 11-9, sau khi kiểm tra, chỉ đạo di dời người dân khu vực đang bị ngập do nước lũ đến nơi an toàn, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho hay, đã yêu cầu chính quyền địa phương sẵn sàng phương án cung ứng lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân.

11-9-anhquantayho.jpg
Lãnh đạo quận Tây Hồ kiểm tra, chỉ đạo việc di dời người dân đến nơi an toàn. Ảnh: Thanh Hiền.

Bí thư Quận uỷ Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho hay, đến 15h ngày 11-9, quận đã di dời hơn 700 hộ dân với khoảng 1.800 nhân khẩu ra khỏi khu vực ngập lụt.

Về cơ bản người dân chủ động bố trí chỗ ăn ở. Đối với những trường hợp không có nơi sinh hoạt, chính quyền các phường Yên Phụ, Tứ Liên, Nhật Tân, Phú Thượng đã bố trí về nhà văn hoá, trung tâm thể dục - thể thao, nhà sinh hoạt khu dân cư, trường học.

Quận đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với đơn vị chức năng rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị theo phương châm “Ba sẵn sàng”, “Bốn tại chỗ”; chuẩn bị, dự trữ hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng cung ứng lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cũng thông tin, quận có khoảng 970 người được di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm ở các phường Cự Khối, Ngọc Thuỵ, Long Biên, Bồ Đề, Giang Biên, Ngọc Lâm.

Qua rà soát, nếu lũ sông Hồng lên báo động 3, dự kiến quận sẽ tiếp tục di dời 2.022 hộ, với 6.891 người.

"Để hỗ trợ các hộ dân, UBND quận Long Biên đã chỉ đạo các cấp, ngành kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men; không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, vật tư y tế”, ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay.

Tại quận Hoàn Kiếm, đại diện UBND quận cho biết đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị căn cứ tình hình mưa lũ, chủ động kế hoạch, phương án dự trữ hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm để sẵn sàng cứu trợ nhân dân trên địa bàn trong thời gian khoảng 7 ngày theo phương châm "4 tại chỗ".

Từ góc độ đơn vị phân phối, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng giám đốc hệ thống siêu thị BRGMart thông tin, hệ thống siêu thị đã đặt hàng, tăng lượng dữ trữ hàng hoá thiết yếu 30% so với bình thường. Giá cả hàng hoá không có biến động và các chương trình khuyến mại, bình ổn giá được toàn hệ thống triển khai.

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Dung – Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông), với kinh nghiệm ứng phó thiên tai, dịch bệnh, Co.opmart, Co.op Food đã chủ động sắp xếp nhân sự, điều phối việc phục vụ khách hàng trực tiếp tại siêu thị và khách hàng đặt qua điện thoại.

Các Co.opmart ở những tỉnh không bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 sẵn sàng hỗ trợ thông qua những chuyến hàng vận chuyển xuyên đêm, linh hoạt điều động nhân sự đến những nơi cần thiết.

Trong khi đó, nhằm chung tay hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả bão lũ, Tập đoàn Central Retail Việt Nam triển khai chiến dịch hỗ trợ 10.000 suất hàng nhu yếu phẩm (mỗi suất bao gồm 1 thùng mì, 1 thùng nước uống tinh khiết), hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa bão, với tổng chi phí khoảng 1,25 tỷ đồng.