Giải pháp quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp của Hà Nội
Sáng 11-9 tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (Liên hiệp Hội Hà Nội) tổ chức hội thảo khoa học với chủ để: “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội, thực trạng và giải pháp ”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao nêu rõ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là một trong những giải pháp quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội đã được cụ thể hóa tại Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân” và Chương trình số 07-CTr/TU về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Cuộc hội thảo này nằm trong chuỗi 3 hội thảo của Đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp, chính sách góp phần thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội” mà Liên hiệp Hội Hà Nội đang thực hiện theo yêu cầu của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Ngọc Giang, bình quân nước ta tiêu thụ 32kg thịt lợn/người/năm. Riêng Hà Nội, ngoài dân đô thị còn có một lượng lớn khách và lao động ngoại tỉnh nên nhu cầu thực phẩm rất cao, đòi hỏi phải nâng cao sản lượng chăn nuôi. Những năm qua, chăn nuôi đã góp phần ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân Thủ đô. Tuy nhiên chăn nuôi của Hà Nội còn nhỏ lẻ nên năng suất thấp, nhiều dịch bệnh, giá thành cao.
Tại hội thảo, ThS.DS Phạm Thị Mai Hiên, Công ty TNHH Trà Mầm nêu lên một thực trạng, ngành chăn nuôi nước ta hiện đang sử dụng nhiều kháng sinh, chất tạo nạc, chất tăng trọng, các chất tạo màu trong thức ăn chăn nuôi để tăng sức đề kháng của vật nuôi, tăng trọng, giảm lượng thức ăn đưa vào, tăng hiệu quả sản xuất, làm cho thịt trông ngon hơn... Các chất này đều gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trong những năm tới, chủ trương của thành phố khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung số lượng lớn, hình thức công nghiệp và bán công nghiệp; tăng số trang trại; số đầu vật nuôi/trang trại; xây dựng các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Bởi vậy ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao sản lượng, chất lượng, giảm giá thành chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh là nhu cầu cần thiết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Giang, để phát triển nông nghiệp và chăn nuôi công nghệ cao, thành phố cần tạo lập các tiền đề cần thiết để ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp như: Hoàn thiện quy hoạch tổng thể đối với nông nghiệp và chăn nuôi; hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; hỗ trợ vốn và đổi mới cơ chế quản lý của nhà nước về khoa học – công nghệ cho phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao... cũng như tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Vùng nông nghiệp công nghệ cao chưa được thể chế tại Luật Công nghệ cao, do đó, ông Cao Việt Hưng (Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT) kiến nghị cần bổ sung quy định về loại hình vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào Luật để có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, cần có chế tài đủ mạnh để bảo đảm sự tuân thủ quy hoạch cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, của địa phương, ổn định và bền vững.
Ngoài ra, ông Hưng cũng kiến nghị cần có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận được nguồn vốn, gắn với chính sách bảo hiểm đề cân bằng, chia sẻ rủi ro cũng như có chính sách khuyến khích nhập khẩu, tiếp nhận chuyển giao làm chủ các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài mà Việt Nam chưa tạo ra được.