An toàn thang máy chung cư tái định cư: Bao giờ cư dân hết bất an?
Sau sự cố thang máy liên tiếp xảy ra tại chung cư tái định cư trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Tây Hồ... thời gian qua, người dân sinh sống tại chung cư tái định cư không khỏi bất an, lo lắng.
Bao giờ cư dân hết bất an khi sử dụng thang máy tại các chung cư tái định cư vẫn là "bài toán" không dễ giải...
Nỗi lo mất an toàn
Ghi nhận tại Khu tái định cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), hiện nỗi ám ảnh lớn nhất của những người dân đang sinh sống nơi đây là thang máy xuống cấp và thường xuyên hỏng hóc, ngừng hoạt động. Chị Nguyễn Thu Hà, cư dân sống tại Khu tái định cư Đồng Tàu cho hay, nếu thang máy hoạt động được thì lên xuống cũng rất chậm chạp, luôn ở tình trạng rung lắc, người dân cảm thấy rất bất an...
Tương tự, tại chung cư N01 Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), người dân cũng luôn cảm thấy bất an khi thang máy vận hành chậm chạp, có lúc đang hoạt động thì rung lắc nhẹ, bên trong thang máy ánh sáng yếu ớt. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, thỉnh thoảng thang máy lại bị hỏng nên người dân phải chuyển sang đi thang bộ. Dù người dân nơi đây đã nhiều lần phản ánh nhưng đến nay tình trạng thang máy lại hỏng vẫn không có nhiều biến chuyển.
Cư dân sinh sống tại các khu tái định cư Định Công, nhà A2 Đền Lừ (quận Hoàng Mai), nhà A Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy)… cũng trong tình trạng mỗi khi bước chân vào thang máy là lại thấp thỏm lo âu. Điểm chung của các thang máy tại các chung cư tái định cư này là thường xuyên bị hư hỏng, sửa chữa nhiều lần nhưng không được khắc phục triệt để. Đáng sợ là mỗi lần sử dụng thang máy, người dân thấy bất an khi các thang máy này thường xuyên có hiện tượng rung lắc, kêu cót két. Thậm chí, tại một số nơi, cửa thang máy còn tự động đóng mở…
Về chất lượng thang máy tại các chung cư tái định cư, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Đặng Trần Trung cho biết, nhiều tòa nhà tái định cư hoạt động từ những năm 2000 nên chất lượng công trình, trang thiết bị, trong đó có hệ thống thang máy xuống cấp. Các thang máy sản xuất từ lâu, linh kiện thay thế không còn, phải đặt hàng sản xuất riêng lẻ nên thời gian chờ khắc phục kéo dài và chi phí sửa chữa rất lớn. Trong khi đó, nguồn thu còn hạn hẹp, quỹ bảo trì 2% tại các tòa nhà ít hoặc không có. Nhiều chủ sở hữu không đóng góp kinh phí để sửa chữa. Bên cạnh đó, việc sửa chữa, bảo trì còn chưa kịp thời, không thường xuyên liên tục do công ty phải chờ phê duyệt dự toán thu chi của cấp có thẩm quyền.
Bài toán không dễ giải
Về việc bảo trì thang máy tại các chung cư tái định cư, ông Đặng Trần Trung cho biết, Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được thành phố Hà Nội giao bảo trì 187 thang máy tại 64 nhà tái định cư cao tầng có diện tích kinh doanh dịch vụ; số thang máy còn lại tại các khu tái định cư không có diện tích kinh doanh dịch vụ do Trung tâm Quản lý nhà thành phố Hà Nội (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) bảo trì. Hằng năm, công ty phải lập kế hoạch bảo trì, sửa chữa các hạng mục được hỗ trợ. Công tác bảo trì được thực hiện sau khi Sở Xây dựng trình UBND thành phố Hà Nội duyệt dự toán thu chi.
Năm 2023, trên cơ sở UBND thành phố phê duyệt dự toán thu chi quản lý vận hành quỹ nhà (ngày 31-8-2023), công ty đã thực hiện bảo trì định kỳ, kiểm định định kỳ 3 tháng cuối năm 2023 đối với 187 thang máy và sửa chữa xong 52 thang máy hư hỏng... Năm 2024, liên ngành: Sở Xây dựng, Sở Tài chính trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt dự toán thu - chi đối với quỹ nhà chung cư tái định cư, được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3212/QĐ-UBND ngày 21-6-2024. Theo đó, từ đầu tháng 8-2024, các nhà thầu triển khai bảo dưỡng 187 thang máy.
Với việc sửa chữa, ông Đặng Trần Trung cho hay, theo kế hoạch phê duyệt năm 2024, có 27 thang máy hư hỏng, chạy không ổn định cần sửa chữa. Hiện công ty đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để trình Sở Xây dựng Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Trên cơ sở đó, công ty sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu sửa chữa. Dự kiến tháng 11 và 12-2024 sửa chữa xong 27 thang máy trên.
Liên quan đến việc bảo dưỡng, sửa chữa thang máy tại các chung cư tái định cư, theo quy định của Luật Nhà ở, việc sửa chữa, bảo dưỡng thang máy là một trong những nội dung của công tác bảo trì hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của tòa nhà chung cư nói chung, chung cư tái định cư nói riêng. Trong đó, cư dân trong tòa nhà có trách nhiệm tự bảo trì phần sở hữu riêng và có nghĩa vụ đóng phí bảo trì cho ban quản lý để đơn vị này thực hiện công tác bảo trì phần sở hữu chung (hành lang, thang máy, sảnh…).
Được biết, nhiều ban quản trị nhà tái định cư đã kêu gọi cư dân đóng góp tiền để sửa chữa, thay thế thiết bị thang máy nhằm bảo đảm an toàn. Đơn cử, tại tòa nhà B11C, Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), Ban Quản trị đã kêu gọi, vận động cư dân đóng góp 500 triệu đồng để duy tu, sửa chữa thang máy. Tuy nhiên, đây là một trong số ít khu tái định cư làm được.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn thành phố có 174 chung cư tái định cư. Nhiều chung cư tái định cư này và hệ thống thang máy tại đây đều có "tuổi đời" trên dưới 20 năm, trong đó nhiều thang máy xuống cấp, không thể nhập được thiết bị thay thế đồng bộ. Vì vậy, an toàn thang máy chung cư tái định cư vẫn là bài toán khó, không dễ giải quyết. Theo đó, để cư dân hết bất an khi sử dụng thang máy, bên cạnh việc thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, cần thiết xem xét phương án đầu tư, thay mới những thang máy đã quá cũ tại các khu tái định cư.