Nông nghiệp - Nông thôn

Gia Lâm phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Ngọc Quỳnh 11/09/2024 - 08:05

Do quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp nên huyện Gia Lâm gặp không ít khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Trước thực tế này, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với huyện Gia Lâm tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông, qua đó hỗ trợ nông dân đưa tiến bộ khoa học mới vào sản xuất theo hướng công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao.

so-che-rau-an-toan-tai-hop-tac-xa-dich-vu-nong-nghiep-van-duc-huyen-gia-lam-.-anh-anh-ngoc.jpg
Sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm). Ảnh: Ánh Ngọc

Hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung

Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, thời gian qua, được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Hà Nội và huyện, hợp tác xã duy trì trồng 250ha rau an toàn. Hiện mỗi năm hợp tác xã cung cấp cho hệ thống siêu thị Aeon, MM Mega, BigC, công ty kinh doanh thực phẩm khoảng 2.000-3.000 tấn rau các loại và bước đầu liên kết xuất khẩu được khoảng 300-500 tấn rau sang Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Đặc biệt, thời gian qua, hợp tác xã được ngành Nông nghiệp, huyện Gia Lâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tập huấn khoa học, kỹ thuật để nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng các điều kiện về an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học cho biết, Gia Lâm luôn xác định lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ thường xuyên được quan tâm đầu tư. Do đó, hằng năm huyện đã đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ nông dân về giống, kỹ thuật, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng mô hình thử nghiệm giống cây trồng mới, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Huyện cũng đã chuyển đổi 304,13ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, đến nay toàn huyện Gia Lâm đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với 1.070ha lúa, hơn 1.000ha rau màu các loại, hơn 1.800ha cây ăn quả, hơn 300ha hoa cây cảnh, 660ha trang trại tổng hợp… Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 500-600 triệu đồng/ha; mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao đạt 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng/ha; mô hình chăn nuôi đạt 150-200 triệu đồng/năm/hộ.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 3.400 hộ chăn nuôi; trong đó, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ở khu dân cư chiếm khoảng 85%. Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố Hà Nội ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội, đến nay, thị trấn Trâu Quỳ và thị trấn Yên Viên của huyện không còn cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện huyện Gia Lâm đã quy hoạch 20,3ha đất tại các xã: Văn Đức, Trung Mầu, Phù Đổng, Lệ Chi, Đặng Xá để di chuyển chăn nuôi ra khỏi khu dân cư, nhằm tạo ra những sản phẩm chăn nuôi an toàn và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm vẫn còn gặp không ít khó khăn, do quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định, chưa gắn được sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm… Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với huyện Gia Lâm tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Trương Văn Học, Diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông giúp nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, thời gian tới, huyện tiếp tục có những chính sách hỗ trợ người dân ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết, xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.

Tại diễn đàn, các hợp tác xã, doanh nghiệp đề nghị các ngành chức năng tháo gỡ khó khăn về đất đai, chính sách tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã về xây dựng thương hiệu, tem nhãn mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xúc tiến thương mại để ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cao vào các kênh phân phối hiện đại.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đoàn Đức Dân cho biết, thời gian qua, trung tâm đã hỗ trợ các hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn vay của Quỹ Khuyến nông thành phố bằng hình thức thế chấp tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của các thành viên tham gia Hội đồng quản trị hợp tác xã với lãi suất ưu đãi. Đối với vấn đề đất đai, không chỉ có huyện Gia Lâm, hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều đang bị vướng. Trong đó, khó khăn nhất là thời hạn hợp đồng hợp tác xã, chủ trang trại ký với chính quyền địa phương để xây dựng mô hình trang trại (trước đây theo quy định là 5 năm).

“Để tạo thuận lợi và khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào sản xuất nông nghiệp, Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc liên quan đến hợp đồng thuê đất của các hộ dân, hợp tác xã. Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục tham mưu với UBND thành phố có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương và người dân”, ông Đoàn Đức Dân cho biết thêm.