Quận Long Biên phải di dời gần 9.000 người dân do nước sông Hồng dâng cao
Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Long Biên, tính đến 17h ngày 10-9, khu vực trong đê ngập 9 tuyến đường: Ngọc Lâm, Đàm Quang Trung, Cổ Linh, Hoàng Như Tiếp, Vũ Xuân Thiều, Hoa Lâm, Đức Giang, Nam Đuống, Khai Sơn.
Khu vực ngoài bãi do ảnh hưởng của lũ (lên trên báo động 1), diện tích vùng sản xuất nông nghiệp bị ngập úng khoảng 305ha.
Thực hiện Công điện số 13 của UBND thành phố Hà Nội, quận đã triển khai công tác rà soát các khu vực dân cư ngoài bãi bị ảnh hưởng của nước lũ dâng cao (báo động số 1, 2). Cụ thể, có tổng số 2.460 hộ với 8.954 nhân khẩu của 7 phường phải thực hiện di dời do nước sông Hồng đang dâng cao.
Cụ thể, phường Bồ Đề có 26 hộ gồm 115 nhân khẩu thuộc tổ dân phố 1, 2, 24, 25; phường Ngọc Thụy có 300 hộ gồm 1.142 nhân khẩu tại tổ 1, 8, 10, 34, 35, 36, 38, bãi giữa sông Hồng (đã di dời 142 người sản xuất nông nghiệp tại bãi giữa sông Hồng); phường Giang Biên có 75 hộ gồm 290 nhân khẩu tại tổ 1, 2; phường Cự Khối có 1.719 hộ gồm 6.028 người tại tổ 1, 3, 4; phường Long Biên có 30 người (người sản xuất nông nghiệp tại khu bãi bồi đã di dời); phường Thượng Thanh có 290 hộ gồm 1.139 nhân khẩu tại tổ 18, 19; phường Ngọc Lâm có 50 hộ gồm 200 người tại tổ 27.
Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Xuân Trường cho biết, đến nay, quận đã thực hiện cảnh báo và di dời 172 người (phường Ngọc Thụy 142 người, phường Long Biên 30 người). Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận đã chỉ đạo UBND các phường tiếp tục rà soát và thực hiện di dời ngay các hộ dân trong vùng ngập úng, nguy hiểm khi tình huống phát sinh thêm.
Quận tiếp tục triển khai hiệu quả, chặt chẽ các phương án phòng, chống bão, lũ; tập trung bảo vệ những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, những địa bàn xung yếu, những nơi có nguy cơ mất an toàn đối với người dân, nhà cửa có nguy cơ sụt lún, đổ sập; chỉ đạo tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, kiên quyết di dời người dân ra khỏi chung cư nguy hiểm, nơi cư trú có nguy cơ cao.
Quận chỉ đạo các cấp, ngành kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Các cấp, ngành của quận tiếp tục tổ chức các lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục các sự cố, hậu quả do bão gây ra để bảo đảm duy trì hoạt động thông suốt của hạ tầng giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc...; duy trì lực lượng ứng trực 24/24 hỗ trợ kịp thời đối với người dân và xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn.
Quận tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình bão, lũ để người dân chủ động bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.