Hút khách du lịch từ điện ảnh
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch thông qua lĩnh vực điện ảnh. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được khai thác xứng tầm. Đây là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Việt Nam - Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” diễn ra sáng 10-9 tại Hà Nội.
Liên kết điện ảnh và du lịch
Tại tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. “Du lịch trong nước đang phục hồi ngoạn mục. Việc đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xây dựng chương trình truyền thông quảng bá, chiến dịch truyền thông theo cách làm mới là điều hết sức cần thiết”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Khẳng định, điện ảnh là nguồn lực lớn cho phát triển du lịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, điện ảnh và du lịch là 2 ngành trọng tâm. Sự liên kết giữa hai ngành này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế. “Liên kết giữa điện ảnh và du lịch là một hướng đi đúng và là xu hướng tất yếu để phát triển quảng bá du lịch một cách hữu hiệu”, ông Nguyễn Văn Hùng nêu.
Thực tế cho thấy, các quốc gia trên thế giới đã và đang khai thác hiệu quả của điện ảnh trong tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch. Theo thống kê, từ năm 2001 sau khi các phần phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” (Lord of the Rings) được phát hành, lượng khách quốc tế đến New Zealand đã tăng 50%. Còn tại Anh, trong giai đoạn 2011-2014, loạt phim "Harry Potter" giúp tăng 230% du khách nước ngoài đến thăm các phim trường ở nước này. Các địa danh tuyệt đẹp ở Croatia, Iceland, Bắc Ireland, Scotland… xuất hiện trong bộ phim “Trò chơi vương quyền” (Game of Thrones) cũng đã trở thành điểm thu hút khách du lịch sau khi bộ phim được phát hành.
Tại Việt Nam, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều địa điểm của Việt Nam như Quảng Bình, Ninh Bình, Điện Biên, Phú Yên… đã được các đạo diễn quốc tế lựa chọn làm bối cảnh quay phim, trong đó có những bộ phim nổi tiếng như: “Người tình”, “Đông Dương”, “Người Mỹ trầm lặng”, “Peter Pan”, “Kong: Skull Islands”. Một số hãng phim truyền hình, ca sĩ nổi tiếng quốc tế cũng đến Việt Nam để quay hình như: Chương trình Good Morning America, phim tài liệu BBC, ca sĩ Alan Walker quay MV …
Nói về hiệu quả thu hút du khách từ hoạt động điện ảnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Mạnh cho biết, năm 1992 bộ phim “Đông Dương” có một số cảnh quay ở vịnh Hạ Long, Điện Thái Hòa thuộc Kinh thành Huế, Lăng Tự Đức (Huế), Tam Cốc -Bích Động ở Ninh Bình. Sau khi bộ phim được công chiếu, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình) đã được nhiều du khách quốc tế biết đến, đặc biệt là khách du lịch Pháp. Hiện nay, khách du lịch Pháp, châu Âu chiếm 80% lượng khách đến khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, làm thay đổi cơ cấu khách du lịch nơi đây.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý cũng cho rằng, thông qua các bộ phim điện ảnh, đặc biệt là các bộ phim “bom tấn” của các hãng phim Hollywood, hiệu quả truyền thông điểm đến rất lớn, giúp tiếp cận sâu rộng tới hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới.
Cần chính sách, cơ chế rõ ràng
Tại hội thảo, bên cạnh việc khẳng định tiềm năng lớn của phát triển điện ảnh gắn với du lịch, các chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót khiến du lịch Việt Nam chưa hưởng lợi nhiều từ điện ảnh. Phần lớn các ý kiến cho rằng, lâu nay, Việt Nam chưa thực sự chủ động trong việc mời, gọi, hỗ trợ hay giới thiệu với các đoàn làm phim quốc tế đến Việt Nam. Ngoài ra, những rào cản về thủ tục, thuế, kinh phí… đang là những trở ngại khiến cho các đoàn làm phim quốc tế ít lựa chọn Việt Nam.
Đề xuất những giải pháp để có thể tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi trong kêu gọi hợp tác, thu hút các nhà làm phim quốc tế đến Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam Cao Trí Dũng cho rằng, cần sớm có bộ dữ liệu từ tầm quốc gia, địa phương, doanh nghiệp về chính sách thu hút đầu tư. “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chủ trì để có đầu mối, kết nối các đơn vị liên quan. Đồng thời cần phải có kế hoạch quảng bá, giới thiệu Việt Nam là điểm đến điện ảnh thế giới”, ông Cao Trí Dũng nêu.
Còn theo Trưởng phòng Quản lý Xúc tiến Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Nguyễn Quý Phương, Việt Nam cần đổi mới công tác quảng bá, có ưu đãi đặc thù cho ngành Điện ảnh để có những sản phẩm điện ảnh chất lượng, quảng bá tốt cho du lịch nước nhà. Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam Ngô Phương Lan đề xuất, mặc dù Luật Điện ảnh 2022 đã có nhiều điểm mới nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như cơ quan thuế nên có những văn bản dưới luật, có ưu đãi cho nhà làm phim. Điều này quyết định lớn đến việc thu hút đoàn phim vào Việt Nam.
Nhằm quảng bá điểm đến du lịch, thu hút các hãng phim Hollywood đến Việt Nam, từ ngày 21 đến 28-9 tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới”.
Cục trưởng Cục du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, chương trình xúc tiến này sẽ có sự tham dự của các đạo diễn, nhà làm phim nổi tiếng của Hollywood. Đây là chương trình xúc tiến, quảng bá có tính chất điểm nhấn trong năm 2024, hy vọng sẽ mở ra chương mới cho việc phát triển du lịch điện ảnh tại Việt Nam trong thời gian tới.