Y tế

Hà Nội: Huy động đội phòng, chống dịch cơ động hướng dẫn vệ sinh môi trường vùng ngập lụt

Thu Trang 10/09/2024 - 13:38

Ngành Y tế Hà Nội đã kiện toàn các đội cấp cứu và phòng, chống dịch cơ động với đầy đủ thuốc, trang thiết bị, sẵn sàng đáp ứng các tình huống có thể xảy ra.

Hiện, các đội phòng, chống dịch cơ động đã xuống nhà dân bị ngập để hướng dẫn các biện pháp vệ sinh môi trường.

ngap-lut-chuong-my.jpg
Một hộ dân ở huyện Chương Mỹ bị ngập lụt sau ảnh hưởng của cơn bão số 3. Ảnh: Đình Trung

Ngày 10-9, Sở Y tế Hà Nội đã có báo cáo khẩn về công tác đáp ứng y tế trong ứng phó cơn bão số 3 (Yagi).

Sở Y tế thành phố lo ngại, mức nước trên các sông đang dâng cao dẫn tới nhiều khu vực dân cư tại các huyện như: Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức, Thanh Oai, Sóc Sơn... bị ngập nước. Đặc biệt, tình trạng ngập lụt tại một số điểm chân rác dẫn đến nguy cơ bùng phát các bệnh dịch thường gặp trong và sau mưa lũ như: Tiêu hóa, da liễu, sốt xuất huyết, mắt...

Trước thực tế đó, ngành Y tế thành phố đã kiện toàn các đội cấp cứu, phòng, chống dịch cơ động với đầy đủ thuốc và trang thiết bị, sẵn sàng đáp ứng các tình huống có thể xảy ra.

Cụ thể, tuyến thành phố có 5 đội phòng, chống dịch cơ động tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, 5 đội điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội. Ngoài ra, 30 Trung tâm Y tế đã kiện toàn 92 đội phòng, chống dịch cơ động và 80 đội cấp cứu cơ động.

Sở Y tế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị tiến hành điều tra, nắm số điểm có nguy cơ ngập lụt để xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, chuẩn bị cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp sau mưa lũ và các hóa chất (Cloramin B, phèn chua…) để xử lý nguồn nước, môi trường.

Cùng với đó, điều tra, nắm số lượng số người già, trẻ em, phụ nữ mang thai dự kiến sắp tới ngày sinh, người tàn tật, người yếu thế, người mắc bệnh nặng, người mắc bệnh mãn tính trong vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt để xây dựng phương án đáp ứng y tế kịp thời.

Hiện tại, các đội phòng, chống dịch cơ động đã xuống nhà dân bị ngập để hướng dẫn các biện pháp vệ sinh môi trường.

“Các đơn vị bảo đảm an toàn cho cơ sở y tế, người bệnh, nhân viên y tế và các trang thiết bị, kịp thời thực hiện công tác chuyên môn khi mưa lũ, ngập úng xảy ra. Đồng thời, thực hiện đáp ứng khám, chữa bệnh, sẵn sàng cấp cứu kịp thời các tai nạn, sự cố trong thời gian mưa bão, lũ, úng ngập, các dịch bệnh có thể xảy ra, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân trên địa bàn”, Sở Y tế thành phố nhấn mạnh.

Sở Y tế thành phố cũng yêu cầu, tổ chức thường trực khám, chữa bệnh 24/24 giờ, có đầy đủ thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh. 100% đơn vị thành lập và kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; các đội cơ động phòng, chống dịch, đội cơ động cấp cứu người bị nạn.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, vệ sinh môi trường, bảo đảm nước sạch, phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trước, trong khi có mưa lũ, ngập úng xảy ra.