Quận Hoàn Kiếm: Di dời 46 hộ ven sông Hồng khỏi khu vực nguy hiểm
Các lực lượng chức năng đã vận động 46 hộ dân có nhà ở ven sông Hồng (gồm 162 nhân khẩu) di dời sang nhà người thân trong phố để tránh mưa lũ, nước sông dâng cao.
Sáng 10-9, UBND phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) đã có báo cáo nhanh gửi UBND quận Hoàn Kiếm, cập nhật mực nước tại trạm thủy văn Hà Nội.
Khảo sát thực địa của UBND phường cho biết, từ 19h ngày 9-9, mực nước sông Hồng tại trạm là 7,5m, đến lúc 8h ngày 10-9 là 9,18m (xấp xỉ mức báo động 1 là 9,5m).
Theo Chủ tịch UBND phường Chương Dương Nguyễn Văn Vĩnh, vị trí bờ vở sông Hồng thuộc phường Chương Dương có chiều dài 1,6km, nguồn gốc đất là đất bãi bồi sông Hồng, chia làm hai khu vực chính: Khu vực bồi đắp từ đầu ngõ 114 Hàm Tử Quan - 405 Bạch Đằng; khu vực bờ vở sông và bãi bồi ven sông đã ngập nhanh. Phần đất bãi giữa đã ngập hoàn toàn, các thuyền chài ở khu vực này đã được sơ tán từ trước đó, trước khi cơn bão số 3 đổ bộ.
Phần bờ vở sông Hồng từ ngõ 114 Hàm Tử Quan đến bến Chương Dương Độ, nước sông lên cao làm ngập bãi xe Công ty Hoàng Kim tại 48 Chương Dương Độ. UBND phường đã chỉ đạo Công an phường thông báo Công ty Hoàng Kim sơ tán xe, phương tiện, vật dụng theo mực nước lên. Nhân dân đã tự di dời tài sản khỏi vùng úng ngập.
Khu vực từ địa chỉ 407 Bạch Đằng đến 727 Bạch Đằng (giáp với phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng), đoạn bờ sông qua khu dân cư phường Chương Dương (nhà dân tiếp giáp bờ sông), có chiều dài khoảng 800m, đã được đầu tư xây dựng chân kè để đảm bảo ổn định, tránh sạt lở. Hiện tại, có 46 hộ dân ven sông Hồng tiếp giáp với phần kè trên (gồm 162 nhân khẩu). Các nhà dân ở đây đã được tổ dân phố, cảnh sát khu vực vận động di dời sang nhà hàng xóm hoặc nhà người thân ở khu vực địa hình cao hơn trong phố.
Dự kiến, khi mực nước lên mức báo động 1, sẽ có 11 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng số 27 nhân khẩu. Các hộ này đã và đang được sơ tán đến các nhà hàng xóm, nhà người thân ở vị trí cao hơn.
Trước đó, vào tối 9-9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Hoàn Kiếm đã có văn bản chỉ đạo hai phường ngoài đê, gồm Chương Dương và Phúc Tân, tăng cường tuần tra, kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình mực nước trên sông Hồng để thông báo kịp thời, thường xuyên cho nhân dân khu vực bãi sông, các điểm sinh hoạt thể dục, các khu vực có nguy cơ sạt lở, và có biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cho nhân dân.
UBND các phường rà soát các phương án, chuẩn bị nhân lực, vật lực, phương tiện để phòng, chống lũ, đảm bảo các điểm đê xung yếu, khu vực sạt lở bờ sông và khu vực tập trung đông dân cư được an toàn.
Các phường thông báo đến các chủ bến thủy nội địa, các đơn vị có hoạt động tại khu bờ, bãi sông thường xuyên theo dõi để kịp thời triển khai các phương án nhằm tuyệt đối an toàn giao thông trên sông; tạm dừng hoạt động khi điều kiện thời tiết không đảm bảo (mưa lớn, gió bão, nước chảy xiết...), tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho hành khách và phương tiện; tổ chức trực ban tại bến 24/24 giờ.
Các đơn vị thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận Hoàn Kiếm và 18 phường tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi, thông báo thông tin việc xả lũ các hồ chứa thủy điện đến các tổ chức, đơn vị được biết để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn, kịp thời ứng phó với thiên tai và báo cáo trực tiếp khi có sự cố xảy ra.