‘’Bạc màu áo ngự’’ và khát nguyện xanh hòa bình
Sách - Ngày đăng : 17:50, 23/12/2022
Mới đây, tác phẩm “Bạc màu áo ngự” của anh đã gây sự chú ý trong giới yêu sách gần xa. Không chỉ ngưỡng mộ con đường văn chương với những giải thưởng có giá trị của một tác giả năm nay 34 tuổi, bạn đọc còn thấy một Lê Vũ Trường Giang qua hình ảnh một nhà giáo mẫu mực với học trò, một đồng nghiệp tài năng và một bạn văn khiêm tốn. Đó là những nhận xét quanh tôi của những ai đã từng tiếp xúc với nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang.
“Bạc màu áo ngự” gồm 13 truyện ngắn về những thân phận, nhân vật có thật hoặc hư cấu qua những thời kỳ lịch sử từ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của vua Hàm Nghi, trận chiến Tết Mậu Thân 1968 ở Huế, đến "cuộc chiến" sinh tồn, lợi ích cá nhân ảnh hưởng cả một "tập thể cư dân" vượt biên trong trại tị nạn Shek Kong ở Hồng Kông...
Những câu chuyện trong “Bạc màu áo ngự” được Lê Vũ Trường Giang viết bằng cảm xúc, góc nhìn đầy nhân ái nhưng không nhu nhược, ủng hộ chính nghĩa nhưng rất nhẹ nhàng, nhân văn. Những câu chuyện xoáy quanh nhân vật ở mỗi thời kỳ lịch sử tuy trôi qua đã lâu nhưng vẫn tạo cho người đọc hôm nay cảm giác gần gũi, những câu chuyện ngỡ như mới vừa hôm qua. Có lẽ, chính điều đó là chất xúc tác tạo nên sự lôi cuốn buộc người đọc phải háo hức tò mò tìm đến từng câu chữ cuối cùng, như một mâm cơm có nhiều món ngon khiến thực khách háo hức muốn thưởng thức toàn bộ hương vị vậy.
Trong 13 truyện ngắn, tôi đặc biệt chú ý đến truyện “Bạc màu áo ngự”. Hình ảnh đức vua yêu nước Hàm Nghi những ngày bị lưu đày sống lưu vong ở Alger là một "Đức Ngự" luôn tưởng vọng về cố hương, phong thái của một vị vua anh minh dù đang bị sự kìm hãm ức chế vẫn toát lên vẻ phong lãm, tài hoa, cốt cách: "Đó là lần cuối cùng tôi thấy Đức Hàm Nghi của tôi khóc, khóc bằng giọt nước mắt đắng. Người đã bị tước đi cái quyền được ngắm nhìn bầu trời thân yêu của mình và thành đô vang bóng chỉ còn là ký ức của kẻ tha hương. Khi bác bếp và anh thông dịch bưng xô nước lên, Đức Ngự nói trong nước mắt trước khi giấc ngủ và mệt mỏi xô ngài gục lên chiếc ghế kê bên ô cửa: "Ta là một con chim Lạc bất hạnh vì sợi dây đang buộc chặt chân ta!".
Cuộc chiến giữa những người tị nạn cũng khốc liệt không kém với những ai ôm mộng tìm miền đất hứa. Trại tị nạn Shek Kong là nơi những người vượt biên bị buộc phải tập trung trước khi quá cảnh sang nước thứ ba. Cuộc chiến nhằm xưng hùng và tranh giành mối lợi cá nhân giữa hai phe đầu gấu và lưu manh trong môi trường tự quản giữa mấy ngàn con người đã được tác giả phản ánh rõ nét trong “Không còn ai ở Shek Kong”.
Đọc tập truyện ngắn “Bạc màu áo ngự”, người đọc có cảm giác mỗi câu chuyện là một bộ phim bởi sự nghiêm túc, chỉn chu của tác giả trong cách dụng văn bằng bút pháp giàu hình ảnh, thanh âm, cảm xúc. Mỗi câu chuyện trong “Bạc màu áo ngự” là mỗi nhân vật, thân phận đi qua mỗi miền lịch sử khác nhau, nhưng xuyên suốt tác phẩm và đọng lại trong lòng người đọc vẫn ngời lên thông điệp khát nguyện hòa bình.