Rước họa với đủ kiểu chữa bệnh độc, lạ
Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng không ít người vẫn áp dụng các “mẹo” chữa bệnh độc, lạ được truyền miệng, như: Cho ong đốt, nhịn ăn, uống hoa đu đủ, đắp lá trầu không, đắp thuốc lào… để rồi rước họa vào thân, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Các chuyên gia y tế lưu ý, khi thấy đau, thấy bệnh, người dân không nên tin theo những phương pháp chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học mà bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị bệnh.
Hệ lụy khi tự làm “thầy thuốc”
Hơn 1 tháng qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận liên tiếp gần 10 trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch do tự chữa bệnh bằng các “mẹo” truyền miệng và các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc.
Điển hình là chị T.T.H (43 tuổi ở Hà Tĩnh), bị viêm khớp dạng thấp 20 năm nay. Qua tìm hiểu trên mạng, chị đã sử dụng phương pháp cho ong đốt vào chân để chữa viêm khớp và cảm thấy tình trạng đỡ hơn. Tháng trước, khi cơn đau tái phát, bệnh nhân tiếp tục áp dụng phương pháp này. Sau khi ong đốt chi chít ở cả hai đầu gối, bệnh nhân được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng sốt liên tục, cẳng chân phải sưng đỏ, mu bàn chân phải loét, chảy mủ, biến dạng khớp tay... Kết quả, chị H. được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm mô bào cẳng bàn chân phải trên nền bệnh viêm đa khớp dạng thấp.
Trường hợp khác là nam bệnh nhân T.L (59 tuổi ở Hà Nội) bị viêm gan B những không đi khám và đã uống hoa đu đủ ngâm mật ong để nâng cao sức khỏe. Hậu quả là bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Tại đây, các xét nghiệm cho thấy, men gan của bệnh nhân tăng gấp hơn 1.000 lần so với mức bình thường, tình trạng ứ mật dẫn đến vàng da và vàng mắt tăng gấp hơn 30 lần so với bình thường. Bệnh nhân được tiên lượng, tỷ lệ tử vong lên đến 80%.
Bác sĩ Vũ Thị Hương Giang, Khoa Viêm gan của bệnh viện nhận định, việc nam bệnh nhân này dùng bài thuốc dân gian cổ truyền không đúng cách, đúng hướng dẫn của chuyên khoa dẫn đến tình trạng men gan tăng cao và ứ mật nặng. Đây là vấn đề thực sự nguy hiểm, đặc biệt là với những người có các bệnh lý nền.
Tương tự, mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tiếp nhận khoảng 80 ca bệnh zona, trong đó khoảng 15%-20% bị biến chứng do tự chữa bằng đắp lá cây hoặc tự dùng thuốc.
Điển hình như nữ bệnh nhân T.H.M (62 tuổi ở Bình Dương) chữa zona bằng cách nhai nát hỗn hợp lá trầu, cau, thuốc lào, rồi đắp lên vùng phồng rộp 2 lần/ngày. Những lúc đau nhức nhiều, bà M. còn nhai nát hạt đỗ xanh sống và đắp lên vết thương. Sau 5 ngày liên tục đắp các hỗn hợp, cổ bà M. nổi nhiều hạch, thậm chí vùng phồng rộp trên da ngày càng lan rộng. Tổn thương trên da cũng làm cho mắt phải của bệnh nhân sưng húp, giảm tầm nhìn. Tại bệnh viện, bà M. được chẩn đoán bị zona biến chứng nhiễm trùng da và viêm hạch thứ phát do đắp các loại lá, hạt.
Bác sĩ Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, zona là bệnh phổ biến, thường tái phát nhiều lần và xảy ra quanh năm. Tỷ lệ mắc bệnh zona ở người trẻ là 3,4/1.000 người mỗi năm và ở người trên 65 tuổi lên tới 11,8/1.000 người mỗi năm. Đến nay chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh việc đắp các loại lá, hoặc dùng mẹo dân gian có thể điều trị được zona thần kinh. Thậm chí, bụi bẩn, các hoạt chất trong các loại lá cây, hoặc vi khuẩn trong nước bọt khi nhai các loại lá này có thể xâm nhập vào vết thương làm bệnh zona nặng thêm.
Cẩn trọng với “bác sĩ Google”, “bác sĩ TikTok”
Dễ dàng nhận thấy một thực trạng hiện nay, chỉ cần lên mạng, tìm đến “bác sĩ Google” hay “bác sĩ TikTok” là đủ cách chữa bệnh từ đông y, tây y hay liệu pháp dân gian truyền miệng đều có. Chính vì thế, nhiều người cứ nghe ở đâu có phương pháp chữa bệnh mới là chia sẻ để mọi người làm theo. Các trang web thông tin về y tế và bệnh tật có thể hữu ích ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, việc người dân tự tìm hiểu, tự ý chữa bệnh bằng các thông tin không được kiểm chứng sẽ vô cùng rủi ro.
Phương pháp được nhiều người truyền tai nhau đó là nhịn ăn để chữa bệnh ung thư. Bác sĩ chuyên khoa I Dương Ngọc Vân, Bệnh viện Đa khoa Medlatec chia sẻ, với phương pháp này, nhiều người cho rằng, trong quá trình nhịn ăn sẽ không còn dinh dưỡng khiến cho khối u hay mầm mống gây bệnh dần bị cô lập và tiêu hao. Thế nhưng, đây là một phương pháp phản khoa học.
“Khi bị thiếu hụt dinh dưỡng, tế bào gây bệnh còn hoạt động mạnh hơn, bởi lúc này sức đề kháng của cơ thể đã suy giảm, khó chống chọi lại với bệnh tật. Tế bào gây bệnh hay tế bào ung thư có bị kìm hãm hay không phụ thuộc phần lớn vào sức đề kháng của cơ thể. Nếu người bệnh duy trì sức đề kháng tốt, tế bào gây bệnh đương nhiên không thể phát triển nhanh. Còn nếu sức đề kháng suy giảm, bệnh sẽ tiến triển nhanh. Như vậy, việc bỏ đói cơ thể gần như không mang lại hiệu quả chữa bệnh mà còn khiến người bệnh suy kiệt, đe dọa đến tính mạng”, bác sĩ Dương Ngọc Vân lý giải.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, bác sĩ Vũ Thị Hương Giang khuyến cáo, khi gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, người bệnh nên lựa chọn những địa điểm uy tín, chất lượng, có chuyên môn để thăm khám và điều trị bệnh. Người dân nên tránh sử dụng những bài thuốc không rõ nguồn gốc, chỉ sử dụng các thuốc được chứng nhận từ các cơ sở y tế uy tín. Khi sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền cần phải tham khảo ý kiến của người có chuyên môn để chỉ định liều lượng phù hợp.