Cầu Phong Châu không có dấu hiệu mất an toàn trước khi sập
Chiều 9-9, Cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về tình hình sự cố cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng, trên Quốc lộ 32C thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ.
Đáng chú ý, theo ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, đến thời điểm xảy ra sự cố, Cục không nhận được báo cáo về dấu hiệu không bảo đảm an toàn đối với công trình này.
Theo ông Bùi Quang Thái, hằng năm, cầu Phong Châu và tuyến Quốc lộ 32C đều được lập kế hoạch bảo trì, giao vốn thực hiện bảo trì và được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ (chủ đầu tư) tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện bảo trì theo kế hoạch giao.
Trong đó, năm 2010 tiến hành sửa chữa lan can cầu, mặt cầu, khe co giãn; năm 2013 tiến hành thay dầm nhịp bê tông cốt thép, thay khe co giãn bằng loại khe răng lược; thảm lại mặt cầu. Năm 2018 xử lý trụ chống va xô; năm 2019 xử lý xói lở trụ T6, T7 và năm 2023 sửa chữa sơn kết cấu nhịp dầm thép, khe co giãn.
Mặt khác, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ đã đấu thầu lựa chọn nhà thầu quản lý, bảo dưỡng cầu thường xuyên từ năm 2024 đến 2027.
Hiện nay, Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan cập nhật thông tin, giải pháp xử lý để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.
* Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã đưa xuồng máy phối hợp lực lượng Cảnh sát đường thủy Hà Nội, các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ tuần tra tìm kiếm cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu.
Do ảnh hưởng của bão số 3, nước lũ trên sông Hồng lên cao, vào khoảng 10h ngày 9-9, một bộ phận nhịp của cầu Phong Châu tại Km18+300 trên quốc lộ 32 bắc qua sông Hồng nối giữa huyện Tam Nông và Lâm Thao bị sập. Các lực lượng chức năng đang huy động lực lượng triển khai các phương án tìm kiếm cứu nạn những người bị ngã xuống sông.
Chiều 9-9, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin, Đoàn công tác của Cục do Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó Cục trưởng làm Trưởng đoàn đã có mặt tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn gồm 33 cán bộ, chiến sĩ, 6 xe ô tô và 1 xuồng máy…
Khoảng 14h cùng ngày, Đoàn công tác làm việc với Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương được thành lập tại hiện trường xảy ra vụ việc và triển khai lực lượng, phối hợp các lực lượng thuộc Công an tỉnh Phú Thọ. Các đơn vị đã triển khai điều tiết, phân luồng giao thông tại khu vực ngã 3 quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh không để người dân đi lại, tụ tập đông người tại hai đầu cầu thuộc huyện Tam Nông và Lâm Thao. Đồng thời, hạ 1 xuồng máy tại khu vực xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (cách hạ lưu cầu Phong Châu khoảng 3km), sẵn sàng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn.
15h cùng ngày, dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Đoàn công tác của Cục Cảnh sát giao thông cùng Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tiền phương tiếp tục triển khai các phương án tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ các nạn nhân và phương tiện gặp nạn. Các phương tiện bị cấm lưu thông qua cầu Trung Hà để bảo đảm an toàn. Hai đầu cầu Phong Châu được chặn bằng dải phân cách cứng để hạn chế, ngăn chặn người dân đi lại. Lực lượng Cảnh sát đường thủy, Công an thành phố Hà Nội, Công an các tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, tìm kiếm cứu nạn.