Giao thông

Vụ sập cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ: Triển khai nhiều giải pháp cứu hộ, cứu nạn

HNMO 09/09/2024 11:15

Khoảng 10h ngày 9-9, cầu Phong Châu nối liền huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã bị sập. Bước đầu xác định có khoảng 4 ô tô, 4 xe máy với trên 10 người mất tích.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo khẩn sau vụ sập cầu Phong Châu

Chiều 9-9, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Công điện số 35/CĐ-BGTVT về việc tập trung khắc phục sự cố cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) và ứng phó với tình hình mưa, lũ sau bão số 3.

Về khắc phục sự cố cầu Phong Châu, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu, Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ và các cơ quan, đơn vị có liên quan của các bộ, ngành, địa phương khẩn trương điều động nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tham gia khắc phục sự cố; tổ chức tìm kiếm cứu nạn; tổ chức phân luồng bảo đảm giao thông và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam khẩn trương thông báo, công bố hạn chế giao thông đường thủy nội địa theo quy định, tổ chức điều tiết bảo đảm giao thông thủy tại khu vực.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất, mưa lũ, sập cầu; tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn.

Từ sự cố này, Bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc rà soát, kịp thời phát hiện để có phương án bảo đảm an toàn giao thông, nhất là các cầu đường bộ, đường sắt (cầu yếu, xây dựng lâu năm), các khu vực xung yếu dễ bị sụt trượt, lở đất, đứt đường...; cử người trực chốt, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí ngập nước sâu, sạt lở đất gây mất an toàn giao thông...; tăng cường công tác kiểm tra tuyến luồng trên các sông, hồ để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền hoạt động trên luồng…

Trung tâm Y tế huyện Tam Nông tiếp nhận, điều trị 3 nạn nhân

Liên quan đến vụ sập cầu Phong Châu, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) đã tiếp nhận, điều trị 3 nạn nhân.

Cụ thể, gồm: Nguyễn Minh Hải, 30 tuổi trú tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ); Bùi Quý Trọng, 33 tuổi ở xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông; Phan Trường Sơn, 40 tuổi trú tại xã Hương Nộn, huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ).

3 nạn nhân vụ sập cầu cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Tam nông
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tam Nông thăm khám cho nạn nhân Phan Trường Sơn. Ảnh: Báo Phú Thọ

Hai nạn nhân Phan Minh Hải và Bùi Quý Trọng rơi xuống nhưng may mắn bám được vào mố cầu và được người dân giải cứu, chỉ hoảng loạn và bị thương nhẹ.

Nạn nhân Phan Trường Sơn khi rơi xuống sông đã may mắn bám vào thân cây chuối trôi trên sông, khoảng 2km thì được các lực lượng chức năng ứng cứu đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cấp cứu.

Đến chiều nay, cả 3 nạn nhân sức khoẻ ổn định, trong đó nạn nhân Nguyễn Minh Hải và Búi Quý Trọng tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Trung tâm. Riêng nạn nhân Phan Trường Sơn bị tổn thương phổi do sặc nước và có vết thương lộ cơ ở cẳng chân trái nên các bác sỹ đã hồi sức cơ bản, chống sốc, giảm đau, đồng thời mổ để xử lý vết thương và chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Hội chẩn cấp cứu trực tuyến nạn nhân vụ sập cầu

Trưa 9-9, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã hội chẩn cấp cứu trực tuyến hỗ trợ tuyến dưới cấp cứu, điều trị nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo tỉnh thăm hỏi các nạn nhân vụ sập cầu tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông. Ảnh: Báo Phú Thọ

Trong vụ sập cầu Phong Châu, tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông có 3 trường hợp bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu, trong đó có 1 trường hợp chấn thương nặng là nam bệnh nhân (40 tuổi) đi xe máy trên cầu, ngã rơi xuống nước do cầu sập, trôi xuôi dòng về Hưng Hóa dạt vào bờ được người dân vớt lên. Hai bệnh nhân khác đến viện trong tình trạng xây xước nhẹ đang được theo dõi và động viên tinh thần tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông.

Ngay trong trưa 9-9, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã hội chẩn cấp cứu trực tuyến hỗ trợ tuyến dưới cấp cứu, điều trị nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu.

Nam bệnh nhân (40 tuổi) vào viện trong tình trạng hoảng loạn, đau đầu, vết thương rộng cẳng chân trái 14-16cm, dị vật cát bẩn, dập nát, xẹp phổi nhỏ ở thùy dưới phổi phải.

Bệnh nhân đã được Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức hội chẩn liên chuyên khoa, hướng dẫn đội ngũ bác sĩ tuyến dưới xử trí các tổn thương cho người bệnh, tiếp tục theo dõi và có các phương án điều trị về thần kinh, tim mạch lồng ngực, chấn thương, tiêu hóa…

Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, sẽ đảm bảo đường truyền telemedicine được kết nối thông suốt giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức với các điểm cầu tại Phú Thọ: Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, Trung tâm Y tế Lâm Thao, Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Phú Thọ… để kịp thời hội chẩn tư vấn, hỗ trợ xử trí qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa.

Hỗ trợ thân nhân người mất tích trong sự cố sập cầu Phong Châu

Hiện người nhà của nạn nhân mất tích đã có mặt tại hiện trường để được lực lượng chức năng hỗ trợ trích xuất camera xác minh chính xác thông tin. Lo lắng, hoảng hốt, bất an... là tâm trạng của những người cha, người mẹ, người vợ khi nghe tin người thân gặp nạn.

Mẹ anh Dương Công Chiến (sinh năm 1980, lái xe tải) nghe tin dữ đã một mình chạy ra bờ sông để ngóng tin con. Anh Chiến được xác định là một trong những người lái phương tiện lưu thông trên cầu thời điểm cầu bị sập. Theo bà Vũ Thị Hoa - nhân chứng sống cạnh bờ sông cho biết: “Cầu bị sập phát ra tiếng động rất lớn làm tôi rất hoảng sợ. Nước chảy quá siết khiến cho hoạt động cứu hộ của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn”.

Hỗ trợ thân nhân người mất tích trong sự cố sập cầu Phong Châu
Lực lượng chức năng đang ứng trực để hỗ trợ cứu nạn và thân nhân người bị nạn. Ảnh: Báo Phú Thọ

Nhiều gia đình người bị nạn đã tập trung bên hai bên bờ sông, họ chờ đợi một phép màu. Hiện nay, lực lượng công an đã phát thông báo khẩn truy tìm tung tích, thông tin nạn nhân liên quan vụ sập cầu Phong Châu. Để công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ đạt hiệu quả cao, trong thời gian sớm nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thông báo rộng rãi đến các cơ quan thông tin, truyền thông, cơ quan, tổ chức, cá nhân và quần chúng nhân dân biết và phối hợp cung cấp những thông tin, tài liệu có liên quan đến người, phương tiện bị nạn và các thông tin khác có liên quan đến vụ việc trên.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ thành lập Tổ tiếp nhận thông tin khẩn cấp 24h/24h tại 3 địa chỉ sau:

Công ty quản lý đường bộ tỉnh Phú Thọ, số 115, khu 22, xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0913.282.825 (đồng chí Trung tá Trần Phương).

Trạm xăng dầu Công ty TNHH Huy Hoàng, địa chỉ: Khu 5, xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0989.246.129 (đồng chí Đại úy Nguyễn Mạnh Hưng).

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ, số 216 đường Trần Phú, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Số điện thoại cán bộ tiếp nhận: 0919.333.689 (đồng chí Thiếu tá Nguyễn Xuân Kha).

Huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn

Ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ đã xuống hiện trường và chỉ đạo, huy động 315 cán bộ, chiến sĩ; trong đó 231 đồng chí là lực lượng thường trực, 84 đồng chí là lực lượng dân quân tự vệ đồng thời sử dụng 11 ô tô, 5 xuồng máy, một thiết bị chế áp điện tử sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn nhằm tìm kiếm, cứu vớt những nạn nhân sau vụ sập cầu.

Lập dự án và thủ tục đầu tư để sớm thi công cầu Phong Châu mới

Chiều nay (9-9), tại cuộc họp chỉ đạo công tác cứu hộ, khắc phục sự cố sau khi kiểm tra hiện trường do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho rằng, chỉ khi điều kiện thời tiết cho phép thì mới có thể triển khai tìm kiếm cứu nạn.

Vị trí Cầu Phong Châu trên Google Maps. Ảnh: VietnamPlus

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, về phương án bảo đảm giao thông, trước mắt có 2 phương án là sử dụng phà, hoặc là cầu phao. Tuyến đường sông này ít phương tiện thủy qua lại nên Bộ Giao thông Vận tải đề xuất làm cầu phao cố định. Cầu Phong Châu là cầu huyết mạch, cần xây cầu mới để đáp ứng nhu cầu đi lại của bà con. Do đó không thể sửa chữa cầu cũ.

Trước đó, báo cáo tại hiện trường, các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ cho biết, theo báo cáo bước đầu, có khoảng 10 nạn nhân của vụ sập cầu, cụ thể có 1 xe đầu kéo, 3 xe con, 4 xe máy rơi xuống sông. Hiện, mới có 3 người được cứu.

Tập trung cứu chữa, động viên người bị nạn và thân nhân

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ: Trưa 9-9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu- Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục. Ảnh: VGP

Sau khi khảo sát hiện trường, Phó Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp ngay tại Sở Chỉ huy để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố.

Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh, Quân khu 2, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Giao thông vận tải báo cáo, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương các lực lượng quân đội, công an, cán bộ địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó sự cố.

Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát số lượng phương tiện, nạn nhân. Hiện có khoảng 5 ô tô, 2 xe máy với khoảng trên 10 người. Trong đó có 3 người đã được vớt. 2 người đang cấp cứu, 1 người đã về nhà.

Về giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị, đối với cầu Phong Châu, phải ngăn đường bằng rào cứng, đặt biển báo, ứng trực không cho phương tiện đi vào.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Đồng thời, làm biển cảnh báo, hướng dẫn đường tránh cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường biết.

Về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, trước mắt tìm kiếm ven bờ, khi điều kiện cho phép sẽ triển khai tìm kiếm người và phương tiện.

Đề nghị tỉnh Phú Thọ và Ủy ban MTTQ tỉnh tập trung cứu chữa, động viên người bị nạn và thân nhân. Tổ chức di dời dân khi lũ lụt dâng cao. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Kịp thời báo cáo lãnh đạo Chính phủ khi có vấn đề xảy ra.

Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Quân khu 2 làm cầu phao sớm nhất, tốt nhất để bảo đảm lưu thông; chủ trì công tác tìm kiếm cứu hộ, phù hợp với điều kiện thời tiết cho phép.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Khẩn trương tìm kiếm, cứu nạn vụ sập cầu Phong Châu- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng chủ trì cuộc họp ngay tại Sở Chỉ huy để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố - Ảnh: VGP/Trần Mạnh

Bộ Giao thông vận tải đánh giá nguyên nhân sập cầu; nghiên cứu xây dựng cầu mới bảo đảm vững chắc, lâu bền.

Với tình hình chung, đề nghị tỉnh phân công từng nhóm cán bộ, đánh giá các điểm có khả năng ngập lụt, di dời dân ngay; hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Đề nghị tỉnh tập trung đề xuất cấp gạo, phương tiện (xuồng, máy phát điện)… để trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chỉ huy cứu hộ, cứu nạn

Theo Báo Phú Thọ, ngay sau khi xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang cùng lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan đã có mặt kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường.

Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo sự cố sập cầu Phong Châu
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang kiểm tra thực tế tại hiện trường ngay sau khi sự cố xảy ra.

Theo thông tin ban đầu, cầu Phong Châu bị sập vào lúc 10h ngày 9-9, khi đó trên cầu có người và xe lưu thông khi xảy ra sự cố. Hiện lực lượng chức năng đang trích xuất camera, ghi lời khai nhân chứng để xác định chính xác số người, phương tiện gặp nạn.

Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra, chỉ đạo sự cố sập cầu Phong Châu
Các lực lượng chức năng chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực phục vụ cứu hộ cứu nạn.

Sau khi kiểm tra hiện trường và nghe các đơn vị chức năng báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang chỉ đạo, trước mắt, Công an tỉnh cần triển khai phương án phân luồng giao thông ở tất cả các hướng để tránh các phương tiện từ Hà Nội lên và các tỉnh khác về đi qua cầu Phong Châu, đảm bảo phân luồng từ xa. Các lực lượng Quân đội, Công an, Y tế... sẵn sàng các phương án để triển khai cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực để triển khai phương án khi đảm bảo các yếu tố an toàn.

Các phương tiện thủy không được đi qua khu vực cầu Phong Châu

Trưa 9-9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam điều phối lưu thông, hướng dẫn các phương tiện thủy không đi vào khu vực cầu sập.

Các đơn vị của Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương triển khai các phương án tìm kiếm các nạn nhân và xử lý sự cố.

Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng bị sập trong sáng 9-9. Ảnh: người dân cung cấp.
Cầu Phong Châu bị sập trong sáng 9-9. Ảnh: Người dân cung cấp

Trước đó, khoảng 10h ngày 9-9, 2 nhịp cầu thuộc phía đầu Tam Nông bất ngờ đứt gãy. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các lực lượng chức năng địa phương đã khẩn trương có mặt, thực hiện phương án phân luồng, điều tiết giao thông và thống kê thiệt hại về người.

Đại diện ngành Giao thông Vận tải địa phương đánh giá bước đầu sập cầu do ảnh hưởng của mưa lũ. Các lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng giao thông bảo đảm an toàn cho người dân. Các đơn vị đang thống kê hiện trạng và sẽ có báo cáo cụ thể.

Cầu Phong Châu được xây dựng theo công nghệ cũ với kết cấu dàn thép, có chiều dài 375,36m; khánh thành vào ngày 28-7-1995.

Cầu Phong Châu đã qua nhiều lần sửa chữa, đại tu. Bề rộng mặt cầu hẹp, lưu lượng người và phương tiện qua lại rất thường xuyên. Năm 2022, cử tri tỉnh Phú Thọ đã đề nghị đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng cầu mới thay thế. Tuy nhiên, theo Bộ Giao thông Vận tải, do khó khăn về nguồn vốn nên trước mắt chỉ có thể duy tu, sửa chữa cầu Phong Châu từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ. Việc đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng cầu mới sẽ cân nhắc khi cân đối được nguồn lực.

Nhiều khả năng có người và phương tiện gặp nạn

Xác nhận với Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, nhiều khả năng cao người và phương tiện gặp nạn.

cau1.jpg
cau2.jpg
cau3.jpg
Các lực lượng chức năng đã có mặt đảm bảo công tác an toàn.
cau4.jpg
Các cơ quan chức năng có mặt và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn.
cau5.jpg
Hiện trường sập cầu.
cau6.jpg
cau7.jpg
Người dân bên phía Tam Nông theo dõi. Công an đã phong tỏa hiện trường.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hoàng Giang, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ xác nhận thông tin cầu Phong Châu vừa bị sập vào sáng nay (9-9).

Ông Giang cho biết đang đến hiện trường, hiện tại, các lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng giao thông đảm bảo an toàn cho người dân. Các đơn vị đang thống kê hiện trạng và sẽ có báo cáo cụ thể.

Thông báo phân luồng giao thông sau sự cố sập cầu Phong Châu

Do cầu Phong Châu (Km18+300, quốc lộ 32C) bị sập. Công an tỉnh Phú Thọ thông báo người dân các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, các huyện Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Tân Sơn qua huyện Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì có thể lựa chọn các tuyến đường để di chuyển như sau

* Các phương tiện qua huyện Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → qua cầu Ngọc Tháp hoặc qua Quốc lộ 2 → đi Lâm Thao, Việt Trì. Hoặc Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà → đi Hà Nội → đi cầu Văn Lang → đi Việt Trì, Lâm Thao. Các phương tiện từ hướng Lâm Thao đi Tam Nông, theo chiều ngược lại.

* Các phương tiện qua huyện Tam Nông để đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến: Quốc lộ 32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà hoặc đi cầu Đồng Quang → đi Hà Nội, Vĩnh Phúc. Hoặc đi theo tuyến quốc lộ 2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Cầu Phong Châu được xây dựng với kết cấu dàn thép, có chiều dài gần 380m. Công trình được khánh thành vào ngày 28-7-1995.

Cầu Phong Châu là một cây cầu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông thuộc tỉnh Phú Thọ. Cầu có lý trình tại Km18+300 Quốc lộ 32C, kết nối xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao với xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông.

Năm 2013, cầu Phong Châu được sửa chữa. Đến tháng 9-2019, Phú Thọ ra lệnh cấm các phương tiện có trọng tải từ 18 tấn trở lên qua cầu này./.