Kinh tế

8 tháng của năm 2024: Xuất khẩu phục hồi ấn tượng

Lam Giang 09/09/2024 - 06:35

8 tháng năm 2024, với kim ngạch vượt 511 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu cả nước hồi phục ấn tượng và tăng tốc về đích. Tuy nhiên thách thức phía trước còn không ít, do đó các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và đưa ra nhiều giải pháp đột phá hơn nữa.

san-xuat-hang-may-mac-xuat-.jpg
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: Hà Thư

Xuất, nhập khẩu vượt 511 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 37,59 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8%; nhập khẩu ước đạt 246,02 tỷ USD, tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng xuất siêu 19,07 tỷ USD.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa những tháng gần đây liên tục đạt mức cao, từ 36 đến gần 38 tỷ USD/tháng, trong khi con số trung bình kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm 2023 chỉ đạt 30 tỷ USD/tháng. “Điều này có được là nhờ các đơn hàng xuất khẩu trong các nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày tăng trở lại, đồng thời với dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam, cũng như sự phục hồi ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt không thể không kể đến xuất khẩu nông sản vừa được mùa, vừa được giá”, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 8 tháng qua đạt 233,33 tỷ USD, chiếm 88%. Trong khi đó xuất khẩu da giày ước đạt 14,9 tỷ USD tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023, còn xuất khẩu dệt may ước đạt 24,3 tỷ USD tăng 7,9%. Đáng chú ý, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 7 và 8-2024 đã vượt mốc 4 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 8-2022 đến nay.

Cập nhật thông tin thị trường cuối năm

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải thông tin, trên cơ sở kết quả xuất khẩu và phân tích các yếu tố thuận lợi, khó khăn của thị trường toàn cầu, việc đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% cả năm 2024 là rất khả thi, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của năm 2025.

Theo nhiều chuyên gia, xuất nhập khẩu hàng dệt may, da giày của Việt Nam sẽ tiếp tục khả quan trong những tháng tới, bởi theo yếu tố chu kỳ, nhu cầu hàng hóa thường tăng mạnh vào cuối năm. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng. Đáng mừng là nhiều doanh nghiệp dệt may hiện đã có đơn hàng đến cuối năm 2024 và đang đàm phán đơn hàng đầu năm 2025. Trong khi đó ngành da giày cũng đang dần hồi phục với lượng đơn hàng tăng rõ nét.

Dù vậy, xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực đang đối mặt nhiều thách thức do thiếu nhân công, chi phí sản xuất tăng cao cùng các yêu cầu khắt khe và các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thời gian tới, Bộ Công Thương cần tiếp tục cập nhật thông tin về tình hình thị trường, nhất là vào giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm; cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại, phát huy hơn nữa vai trò kết nối của các cơ quan thương vụ ở nước ngoài. Các bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp để đa dạng hình thức xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu. Ngoài ra, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến và chính sách xuất, nhập khẩu của các thị trường; nắm bắt xu hướng phát triển xanh, bền vững trong các ngành công nghiệp, các quy định mới về thẩm định chuỗi cung ứng của Liên minh châu Âu (EU) đối với các ngành hàng xuất khẩu để kịp thời thông tin tới các hiệp hội, doanh nghiệp. “Đối với Trung Quốc, thị trường nhập khẩu nông sản - trái cây nhiều nhất của Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ tập trung nâng cao hiệu quả thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới. Trong đó mặt hàng sầu riêng được kỳ vọng sẽ có nhiều tăng trưởng đột phá khi 2 quốc gia đã chính thức ký nghị định thư cho sầu riêng đông lạnh”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng:
Chất lượng hàng hóa liên tục được cải thiện

o.hung.jpg

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong những tháng cuối năm, với kỳ vọng 2024 là năm thứ ba liên tiếp tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 100 tỷ USD và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, một số ngành hàng chủ lực được dự báo có thể tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ khi mùa

thu - đông đang đến. Hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.

Song đi cùng sự gia tăng kim ngạch thương mại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đang gặp nhiều rào cản thông qua điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và lẩn tránh các biện pháp thuế...

Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân:
Nỗ lực giảm chi phí, đổi mới công nghệ

b.-xuan.jpg

8 tháng của năm 2024, xuất khẩu da giày tăng trưởng, với nhiều thị trường đang hồi phục, tuy chưa bằng thời điểm trước dịch Covid-19. Từ nay tới cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày sẽ đạt kế hoạch đề ra. Tuy đơn hàng xuất khẩu không thiếu nhưng thách thức lớn nhất là thiếu lao động khiến doanh nghiệp khó tối đa năng lực sản xuất. Mặt khác, hầu hết các chi phí đầu vào đều tăng cao, đặc biệt chi phí nhân công chiếm 25% giá thành sản phẩm. Trong khi giá đầu ra đòi hỏi phải hợp lý đã tác động không nhỏ tới doanh nghiệp.

Lao động được xem là tài sản quan trọng, do đó doanh nghiệp đang nỗ lực giữ chân, tạo phúc lợi xã hội tốt để người lao động yên tâm làm việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất cần các chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa với người lao động.

Để có thể cạnh tranh trên thị trường, doanh nghiệp nỗ lực giảm chi phí, đổi mới công nghệ, tái cấu trúc, đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị).

Giám đốc điều hành Công ty cổ phần PND toàn cầu (quận Hà Đông) Bùi Minh Phượng:
Cần sớm thành lập trung tâm nguyên, phụ liệu

b.phuong.jpg

Từ quý II-2024, đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng lên và dự báo kim ngạch xuất khẩu giai đoạn cuối năm có thể tăng gấp 3 lần so với đầu năm. Kết quả xuất khẩu năm 2024 của doanh nghiệp có thể tăng 25% so với kế hoạch.

Một trong những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp dệt may là nhân công giảm nhiều sau dịch Covid-19. Để khắc phục, chúng tôi nỗ lực đàm phán, bảo đảm đơn hàng và hỗ trợ người lao động bằng các chế độ ưu đãi.

Hiện nay, chúng ta chưa chủ động nguồn cung nguyên, phụ liệu, dù trong nước đã có nhà cung cấp vải, song còn nhỏ lẻ, không bảo đảm yêu cầu thị trường. Điều này khiến đơn hàng nhiều, song đơn giá thấp, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp rất nhỏ. Nếu Bộ Công Thương sớm thành lập trung tâm nguyên, phụ liệu, chúng tôi sẽ chủ động nguồn cung và tiết giảm thời gian, chi phí khá nhiều. Từ đó, doanh nghiệp cũng có thể triển khai định hướng xây dựng thương hiệu của riêng mình để có giá trị gia tăng cao hơn hiện nay.

Hà Thư ghi