Kosovo đóng 2 cửa khẩu với Serbia: Căng thẳng tiếp tục leo thang
Ngày 7-9, chính quyền Kosovo thông báo đóng 2 cửa khẩu biên giới ở Merdare và Bernjak với Serbia sau khi những người biểu tình trên đất Serbia chặn một phần đường và từ chối hành khách có giấy tờ Kosovo.
Bộ trưởng Nội vụ Kosovo Xhelal Svecla cho biết trên nền tảng xã hội Facebook rằng, các nhóm biểu tình đeo mặt nạ bên phía lãnh thổ Serbia đang ngăn chặn việc quá cảnh giữa hai bên. Những công dân mang giấy tờ do chính quyền Kosovo cấp không được nhóm này cho phép nhập cảnh vào Serbia. Ông nhấn mạnh, khi nào giao thông bình thường trở lại, không bị cản trở và an toàn cho tất cả du khách, cửa khẩu biên giới tại Bernjak và Merdare sẽ mở cửa trở lại.
Theo báo chí địa phương, nhóm biểu tình đang phản đối các hành động gần đây của chính quyền Kosovo ở miền Bắc, nơi chủ yếu có người Serbia sinh sống.
Cách đây ít ngày, người Serbia ở miền Bắc Kosovo đã biểu tình sau khi Pristina quyết định đóng cửa 5 tổ chức được điều hành song song bởi Serbia. Đây được cho là một phần trong nỗ lực nhằm mở rộng quyền hạn của chính quyền Kosovo. Hồi tháng 5, cảnh sát Kosovo đã đóng cửa 6 chi nhánh của một ngân hàng Serbia do giao dịch bằng đồng Dinar, vốn bị cấm ở Kosovo.
Ông Jeffrey Hovenier, Đại sứ Mỹ tại Pristina tuyên bố, Washington một lần nữa bày tỏ mối quan ngại và thất vọng đối với các hành động liên tục không phối hợp của chính quyền Kosovo, tiếp tục có tác động trực tiếp và tiêu cực đến các thành viên của cộng đồng người Serbia và các cộng đồng thiểu số khác ở Kosovo.
“Như chúng tôi đã lưu ý trước đó, các hành động không phối hợp của chính quyền Kosovo đã khiến người dân Kosovo và binh lính Lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Kosovo (KFOR) gặp nhiều rủi ro hơn, làm leo thang căng thẳng khu vực một cách không cần thiết và làm suy yếu sự tín nhiệm của Kosovo”, Đại sứ Jeffrey Hovenier nhấn mạnh.
Hiện, khoảng 50.000 người Serbia sống ở miền Bắc Kosovo. Họ không công nhận nền độc lập của Kosovo và vẫn coi Belgrade là thủ đô của mình.
Trong 2 năm qua, miền Bắc Kosovo đã trải qua những căng thẳng sắc tộc tồi tệ nhất kể từ khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 2008.
Mặc dù, Kosovo được hơn 100 quốc gia công nhận, song Serbia vẫn coi đây là một phần lãnh thổ của nước này. Họ cáo buộc chính quyền trung ương Kosovo vi phạm nhân quyền đối với người Serbia và phủ nhận cáo buộc kích động xung đột trong biên giới của vùng lãnh thổ láng giềng.