Các tỉnh căng mình chống bão số 3
Lúc 11h sáng nay, 7-9, bão số 3 đã vào vùng biển Quảng Ninh và tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h. Hiện tại, sức gió mạnh nhất tâm bão cấp 13-14 (134-166km/h), giật cấp 16.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 trong khoảng thời gian từ 10h đến 11h, trên địa bàn huyện Vân Đồn có gió giật mạnh, có lúc lên đến cấp 11, giật trên cấp 12 kèm mưa to. Đến 11h30', gió vẫn duy trì giật cấp 11, 12, khiến cho nhiều cây xanh bị gãy đổ, nhiều nhà lợp mái tôn bị tốc mái.
Do gió to, mưa lớn nên các xã, thị trấn chưa thể tổng hợp được con số thiệt hại do bão số 3 gây ra. Nhưng trước mắt, theo phản ánh của người dân, nhiều bè nuôi trồng thủy sản; dây nuôi hàu của người dân tại các khu vực biển đã bị sóng đánh thiệt hại nặng nề.
Tại huyện Bình Liêu, nước từ các sông suối đã bắt đầu dâng lên song vẫn đảm bảo thoát lũ qua các cống hộp, không ảnh hưởng đến giao thông đi lại.
Cùng với đó, một số địa điểm có nguy cơ trên địa bàn huyện đã xuất hiện sạt lở như tại khu Nà Kẻ (thị trấn Bình Liêu). Địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo cảnh báo và khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài khi không thật sự cần thiết và lực lượng tại chỗ tiến hành dọn dẹp tạm thời để đảm bảo lưu thông trên các tuyến đường.
Tại tỉnh Yên Bái, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của cơn bão số 3, toàn tỉnh đã khẩn trương triển khai các giải pháp chủ động ứng phó.
Để đảm bảo an toàn cho các cơ sở giáo dục, cán bộ, giáo viên và học sinh, ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái cho biết, Sở đã ban hành Công văn gửi phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; đơn vị trực thuộc sở; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường Trung cấp... cho học sinh, sinh viên nghỉ học ngày thứ bảy (ngày 7-9) để phòng, tránh bão; không tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài trường trong 2 ngày (7 và 8-9-2024).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc cho biết, theo dự báo, ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 có nguy cơ gây ra lũ quét, sạt lở đất tại tất cả 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh và nguy cơ cao ngập lụt tại các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái. Do vậy, tỉnh đã yêu cầu các địa phương triển khai giải pháp chủ động ứng phó, di dời khẩn cấp hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ cuốn đến nơi an toàn, nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Tại huyện Vĩnh Phúc, hàng chục cây xanh bị bật gốc, nhiều tuyến đường ngập cục bộ.
Từ tối 6-9 và sáng 7-9, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Mưa lớn kéo dài kèm theo gió mạnh khiến hàng chục cây xanh ở thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên... bị bật gốc. Hàng trăm cây xanh khác bị gãy thân cây hoặc gãy cành, làm hư hỏng một phần công trình xây dựng, nhà ở, hệ thống điện sinh hoạt... Không ít biển quảng cáo tấm lớn trên các tuyến đường của thành phố Vĩnh Yên, trục quốc lộ qua Vĩnh Phúc gãy đổ, hư hỏng…
Để khắc phục hậu quả của bão, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các lực lượng, cơ quan, đơn vị... trên địa bàn khơi thông những điểm ngập nước trên các tuyến đường, lập rào chắn để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại, huy động người và phương tiện tổ chức dọn dẹp cây xanh đổ gãy các tuyến đường, tuyến phố lớn. Ngành Điện đang tích cực khắc phục cột điện bị nghiêng, đổ và tổ chức đấu nối, đảm bảo nguồn điện an toàn cho sinh hoạt.
Tại Hải Phòng, để chủ động phòng, chống bão, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu, lãnh đạo HĐND, UBND thành phố, các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố đã chủ trì các đoàn kiểm tra trực tiếp đôn đốc công tác phòng, chống bão tại các huyện quận và lĩnh vực, kịp thời chỉ đạo thực hiện biện pháp cấp bách tại các địa phương trên địa bàn thành phố.
Những hình ảnh bão số 3 tại Hải Phòng:
Tại tỉnh Thái Bình, 9h sáng nay, trên địa bàn huyện Tiền Hải đã có gió to và mưa. Các địa phương đã chủ động kêu gọi toàn bộ tàu thuyền, ngư dân, lao động làm ăn trên biển, tại các chòi ngao, khu nuôi trồng thủy sản vào nơi tránh trú bão an toàn. Tổ chức đưa người dân ở nhà yếu, xập xệ, người già cả neo đơn đến nơi trú ẩn kiên cố.
Huyện Tiền Hải duy trì chế độ trực 100% lực lượng, cử cán bộ phụ trách từng địa bàn để đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó với bão. Trên địa bàn huyện chưa ghi nhận thiệt hại do bão gây ra.
Trong khi đó, theo thống kê của huyện Thái Thụy, các địa phương trên địa bàn huyện đã huy động được 12 máy xúc, 27 ô tô vận tải để thực hiện công tác chuẩn bị ứng phó với bão; đã đóng được 9.750 bao cát (khoảng 300m3) để chủ động xử lý các điểm xung yếu đối với đê điều tại địa phương.
Cùng với đó, mỗi địa phương luôn duy trì từ 30-35 người túc trực (10-15 người tại trụ sở xã, thị trấn; 30-35 người tại các cơ sở thôn, tổ dân phố và tại các điểm xung yếu) và Ban Quản lý dự án xây dựng cơ sở hạ tầng huyện trưng dụng, huy động 10 máy xúc, 10 ô tô tải túc trực tại các điểm theo chỉ đạo để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra tại địa phương.
Sáng 7-9, đã có 50 cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân sự và 60 cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an được tăng cường về huyện Thái Thụy để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.