Kinh tế

Nâng “tính xanh” để hàng Việt vào siêu thị

Lam Giang 07/09/2024 - 07:34

Ngày nay, xu hướng tiêu dùng đã có những thay đổi rõ nét. Ngày càng nhiều người mua ưu tiên các kênh phân phối hiện đại, có hàng hóa đạt tiêu chuẩn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng chuyển đổi, nâng “tính xanh”, kiểm soát tốt chất lượng, xuất xứ để hàng hóa, thực phẩm “rộng cửa” vào hệ thống phân phối hiện đại.

nguoi-tieu-dung-chon-mua-ha.jpg
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại siêu thị BigC Long Biên (quận Long Biên). Ảnh: Thư Hà

Siêu thị gia tăng thị phần

Bộ Công Thương cho biết, cả nước hiện có hơn 1.167 siêu thị, 254 trung tâm thương mại, cùng hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, hoạt động theo mô hình chuỗi, trong đó nhiều hệ thống phân phối hiện đại có quy mô khắp cả nước. Hệ thống bán lẻ hiện đại tại Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 11,8%/năm. Đa số hàng hóa trong hệ thống bán lẻ hiện đại được kiểm soát về chất lượng, mẫu mã và giá cả khi đến tay người tiêu dùng.

Cùng với đó, thu nhập của người tiêu dùng ngày càng nâng cao, nhu cầu đầu tư cho sức khỏe tăng mạnh, người tiêu dùng sẵn sàng trả chi phí cao hơn để có sản phẩm chất lượng. Đặc biệt, khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường trở nên phổ biến và trở thành xu hướng tiêu dùng, nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng chọn lựa siêu thị, trung tâm thương mại là nơi mua bán sản phẩm an toàn, uy tín. Chị Nguyễn Thu Hương (phường Phúc Đồng, quận Long Biên) cho hay: "Vài năm nay, tôi đã chú trọng hơn đến nguồn gốc thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Cũng vì vậy, tôi thường mua hàng tại các siêu thị lớn để bảo đảm an toàn và "sạch"".

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đang “chuyển mình” đem đến nguồn hàng hóa, thực phẩm phong phú về chủng loại, chất lượng, thân thiện với môi trường.

Giám đốc Thương mại ngành hàng, Tập đoàn Central Retail Nguyễn Thị Mai Phương (quản lý hệ thống siêu thị BigC, GO, Top Market) cho biết, hệ thống phân phối này đang tiêu thụ khoảng 30.000 sản phẩm, trong đó thực phẩm xanh, an toàn, đạt các tiêu chuẩn cao, có sức tiêu thụ ngày càng tăng. Kể từ khi đại dịch Covid-19 tạm lắng, khách hàng ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe và chất lượng thực phẩm. Thậm chí, nhiều khách hàng còn muốn được truy xuất nguồn gốc, cũng như tính minh bạch của chất lượng thực phẩm, hàng hóa…

Còn Giám đốc Vận hành LotteMart Việt Nam Park Chang Lyul thông tin, siêu thị này phân phối hơn 100.000 mặt hàng các loại, trong đó hơn 80% là hàng Việt Nam. Đây là các loại hàng hóa, thực phẩm, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)… nhập trực tiếp từ nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam, cùng các nhãn hàng riêng của LotteMart. Đáng chú ý, các mặt hàng tươi sống bày bán tại hệ thống siêu thị LotteMart đều phải đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và trải qua quy trình kiểm tra chất lượng chặt chẽ từ đầu vào đến khi lên quầy.

Hàng hóa đạt chuẩn “rộng cửa” vào siêu thị

Với xu hướng tiêu dùng hiện đại, hàng hóa bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm sẽ “rộng cửa” vào kênh phân phối hiện đại. Tuy nhiên, không dễ để trở thành nhà cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích lớn do doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện nghiêm ngặt, trong đó tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, xuất xứ minh bạch được xem là "giấy thông hành".

Giám đốc Vận hành Lotte Mart Việt Nam Park Chang Lyul cho hay, các mặt hàng tươi sống, chế biến, bao gói bày bán tại hệ thống Lotte Mart phải bảo đảm nguồn gốc và có các chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y, Viet GAP, GlobalGAP, kết quả kiểm nghiệm, giấy chứng nhận bản quyền thương hiệu, hình ảnh… “Chúng tôi sẽ không ngừng tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để đa dạng hơn các mặt hàng thực phẩm chất lượng, an toàn”, ông Park Chang Lyul bày tỏ. Theo đó, các nhà cung cấp phải đổi mới về quản trị, công nghệ sản xuất, chế biến, áp dụng quy trình quản lý nghiêm ngặt để bước vào hệ thống phân phối hiện đại.

Theo khảo sát mới đây của Nielsen Việt Nam, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết "xanh" và "sạch", sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Trước những đòi hỏi ngày càng cao như thế, các doanh nghiệp cần chú trọng nâng “tính xanh” cho hàng hóa, dịch vụ, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững.

Ví dụ, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tập trung cho mô hình phát triển bền vững, tái sinh. Đặc biệt, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam chuyển đổi 100% ống hút cho sản phẩm uống liền từ nhựa dùng 1 lần bằng ống hút giấy có chứng nhận bảo vệ rừng bền vững. “Việc phát triển bền vững sẽ đem lại giá trị đích thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đây cũng là lý do giúp các sản phẩm dễ dàng được các kênh phân phối cả trong và ngoài nước chấp nhận”, đại diện Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Lê Thị Hoài Thương chia sẻ.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga thông tin, Bộ Công Thương sẽ tập trung xây dựng hệ thống phân phối xanh, áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi và phát triển các chợ đầu mối trở thành các trung tâm logistics theo hướng đáp ứng cho hệ thống phân phối thực phẩm, lương thực minh bạch, bền vững. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tập trung đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp nâng cao nhận thức để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực này.