Nông nghiệp - Nông thôn

100% số hồ tự nhiên, hồ chứa lớn chảy qua Hà Nội được điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản

Ngọc Quỳnh 06/09/2024 - 18:55

100% số hồ tự nhiên, hồ chứa lớn và các khúc sông lớn chảy qua Hà Nội được điều tra đánh giá nguồn lợi và môi trường sống các loài thủy sản. Các loài thủy sản bản địa có nguy cơ suy giảm được bảo tồn, nhân nuôi sinh sản để tái thả về tự nhiên.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Theo đó, để bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững giữ gìn tính đa dạng sinh học, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, 100% số hồ tự nhiên, hồ chứa lớn, khúc sông lớn chảy qua Hà Nội được điều tra đánh giá nguồn lợi, môi trường sống của các loài thủy sản.

Các loài thủy sản bản địa có nguy cơ suy giảm được bảo tồn, nhân nuôi sinh sản để tái thả về tự nhiên.

tha-ca.jpg
Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các vùng nước tự nhiên. Ảnh: Hương Giang.

Để đạt mục tiêu trên, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị, quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản, như: Tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng, xã hội về vai trò, giá trị nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh; đa dạng hóa phương thức tuyên truyền, tập trung tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào các ngày lễ lớn (ngày truyền thống ngành thủy sản 1-4, ngày môi trường thế giới 5-6...); tổ chức thực hiện Tháng hành động quốc gia về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tăng cường quản lý thủy sinh vật ngoại lai xâm hại; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, gây nuôi, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; kiểm tra, xử lý hoạt động lưu giữ, kinh doanh, thả ra môi trường tự nhiên các loài thủy sinh vật ngoại lai, thủy sinh vật ngoại lai xâm hại; nghiên cứu thành lập, đưa vào hoạt động Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, Quỹ cộng đồng theo quy định của Luật Thủy sản 2017.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng khai thác các loài thủy sản bản địa ngoài tự nhiên theo quy định để sinh sản nhân tạo, ương nuôi các loài thủy sản bản địa; thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học, loài thủy sản bản địa, loài thủy sản đặc hữu vào các thủy vực; tăng cường quản lý các khu vực, loài thủy sản được tái tạo, phục hồi để bảo đảm hiệu quả; hình thành khu vực cư trú nhân tạo cho các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, các loài thủy sản bản địa; thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tập trung tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn; tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; xử lý nghiêm hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm.